Tưởng niệm 50 năm ngày mất cụ Cả Ứng và tri ân 138 năm khởi nghĩa Yên Thế
Các đại biểu tưởng niệm cụ Cả Ứng. |
Theo tài liệu của Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam và thông tin do gia đình cụ Cả Ứng thu thập, cụ Cả Ứng tên thật là Nguyễn Đức Ứng (sau đổi là Nguyễn Văn Ứng để tránh thực dân Pháp truy nã), sinh năm 1877 mất năm 1972, thọ 95 tuổi. Ông là con duy nhất, cha là Nguyễn Đức Dần, mẹ là Lê Thị Thanh, quê ở làng Phúc Tằng (nay là thôn Chùa, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, Bắc Giang). Nguyễn Đức Ứng là con nuôi và là một trong những tướng lĩnh xuất sắc, trung thành của Đề Thám (Hoàng Hoa Thám).
Ông được Đề Thám và các tướng lĩnh dạy võ nghệ, bà Ba Cẩn (vợ ba của Đề Thám) dạy chữ. Năm 13 tuổi, Cả Ứng đã thạo cung kiếm, bắn súng, phi ngựa như một chiến tướng giỏi.
Kéo dài suốt 30 năm, cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại năm 1913 sau cái chết còn nhiều bí ẩn của Đề Thám. Cả Ứng về quê hoạt động ngầm, tích cực ủng hộ những người tham gia kháng chiến chống Pháp, tổ chức cướp ruộng của nhà giàu chia cho người nghèo.
Những năm cuối đời, cụ Cả Ứng vẫn tích cực động viên con cháu tham gia kháng chiến, xây dựng quê hương. Hiện nay, trong nhà thờ họ Nguyễn Đức có ban thờ dành riêng để thờ anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, cụ Cả Ứng và bà Hoàng Thị Thế.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Mẫn (ngoài cùng bên phải, cháu nội cụ Cả Ứng) giới thiệu với các đại biểu nơi thờ thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân, cụ Cả Ứng và bà Hoàng Thị Thế tại nhà thờ họ Nguyễn Đức. |
Việc tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày mất cụ Cả Ứng và tri ân 138 năm khởi nghĩa Yên Thế là dịp để con cháu trong dòng họ cùng hướng về nguồn cội, tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng, bảo vệ đất nước; cùng nhau đoàn kết, giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Tin, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)