Tuổi trẻ Bắc Giang: Những đề xuất từ thực tiễn
Anh La Duy Thanh, Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn: Hỗ trợ phát triển mô hình du lịch sinh thái
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, trong đó khai thác các loại hình thế mạnh như: Du lịch tâm linh - sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch gắn với nông nghiệp.
Trong đó, đoàn viên thanh niên góp phần không nhỏ trong thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, ví như tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.
Huyện Lục Ngạn có điều kiện thuận lợi để tổ chức những tour, tuyến du lịch sinh thái vườn đồi kết nối với địa điểm văn hóa, tâm linh. Thời gian tới, tôi mong tỉnh sẽ có những định hướng, cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên trực tiếp tham gia phát triển du lịch; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện đón khách; quy hoạch khu vực riêng dành cho phát triển du lịch.
Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, kết nối hình thành chuỗi sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn, tập huấn cho người dân nói chung, thanh niên nói riêng kỹ năng đón tiếp du khách.
![]() |
Anh La Duy Thanh, Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn. |
Chị Nguyễn Thị Hương, Bí thư Huyện đoàn Yên Dũng: Quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cho thanh niên công nhân
Sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực nông thôn tới các khu, cụm công nghiệp thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh khác về Bắc Giang. Số lượng công nhân về tỉnh lao động tăng nhanh dẫn đến một số vấn đề như thiếu nhà ở, một số thiết chế văn hóa gồm điểm vui chơi giải trí, trường học cho con em công nhân.
Để giải quyết vấn đề này, tôi mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh có quy định cụ thể về việc dành nguồn ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; xây dựng các thiết chế văn hóa để góp phần chăm lo đời sống công nhân.
Khi cấp phép đầu tư, ngoài các nội dung theo quy định nên có yêu cầu doanh nghiệp phải bố trí quỹ đất, kinh phí để xây dựng khu vui chơi, giải trí, nhà ở phục vụ nhu cầu công nhân; khuyến khích nhân rộng mô hình siêu thị trong doanh nghiệp. Tích cực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp, người dân cùng đồng hành, góp nguồn lực nhằm xây dựng thiết chế văn hóa dành cho công nhân.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hương, Bí thư Huyện đoàn Yên Dũng. |
Chị Nguyễn Thị Giao, thanh niên khuyết tật ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên): Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên khuyết tật
Thời gian qua, thanh, thiếu niên khuyết tật được quan tâm tạo điều kiện học tập, rèn luyện, bồi dưỡng lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Từ năm 2018, tỉnh ra mắt CLB Thanh niên khuyết tật gồm 50 thành viên trực thuộc Hội LHTN tỉnh. Hiện mô hình CLB đã có ở các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang.
Thanh niên khuyết tật không thiếu tinh thần và nghị lực, với khao khát được lao động, cống hiến, chúng tôi hy vọng có việc làm ổn định, lập nghiệp, khởi nghiệp để tự chủ, không lệ thuộc vào người khác, tạo ra của cải đóng góp cho xã hội.
Tôi mong tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền về Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản liên quan để mọi tổ chức, cá nhân có cái nhìn, suy nghĩ đúng đắn về người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng.
Đặc biệt, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thành lập địa chỉ đào tạo nghề, kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu việc làm phù hợp cho thanh niên khuyết tật giúp họ có được việc làm ổn định, phát huy năng lực của bản thân để không ai bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Giao, thanh niên khuyết tật thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). |
Việt Anh - Tuyết Mai ghi
Ý kiến bạn đọc (0)