Thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp từ nông sản an toàn
Bảo đảm chất lượng nông sản
![]() |
Anh Trương Văn Ngân (phải), xã Phong Vân (Lục Ngạn) khởi nghiệp với mô hình nuôi bồ câu Pháp. |
Xác định “an toàn” là mục tiêu hàng đầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Văn Thức (SN 1986) và em gái là chị Nguyễn Thị Thơi (SN 1988), xã Bảo Đài (Lục Nam) sáng lập chuỗi kinh doanh nông sản an toàn tại các huyện Lục Nam và Lục Ngạn (Bắc Giang). Các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc, biết được thời gian trồng, cách thức, quy trình chăm sóc.
Ngoài phương thức truyền thống, cửa hàng tiếp cận các khách hàng qua mạng xã hội. Hiện chuỗi cửa hàng của anh Thức, chị Thơi có doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng. Theo chị Nguyễn Thị Thơi, để dần tạo thói quen tiêu dùng văn minh cho khách hàng, cửa hàng kết nối với các HTX đặt hàng nông dân trồng rau theo mùa, có bảng theo dõi thông tin sản phẩm.
Làm chủ mô hình nuôi bồ câu Pháp quy mô lớn và hơn 200 cây vải thiều canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Trương Văn Ngân (SN 1989) ở xã Phong Vân (Lục Ngạn) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều bạn trẻ khác ở địa phương. Được biết, sau nhiều năm đi làm thuê, anh Ngân dành số vốn tích lũy để khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.
Từng tham gia nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm do Huyện đoàn Lục Ngạn tổ chức, anh Ngân thấy mô hình nuôi bồ câu Pháp có khả năng áp dụng được. Từ vài chục đôi nuôi làm thực phẩm trong gia đình, anh Ngân vay thêm hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, nhập thêm nhiều cặp chim bố mẹ để nhân giống, nuôi thương phẩm.
Bồ câu Pháp dễ nuôi, thức ăn do anh tự chế biến, chủ yếu là cám, ngô. Anh nghiên cứu cải tiến hệ thống chuồng, lắp thêm quạt thông gió, mái tôn lạnh chống nóng. Đến nay, anh có khoảng 1 nghìn đôi bồ câu bố mẹ, mỗi năm cho thu 10 lứa chim thương phẩm, mỗi lứa lãi khoảng 25 triệu đồng. Sản phẩm được nhiều người dân địa phương, thương lái đến thu mua.
Hiện toàn tỉnh có hơn 350 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/mô hình/năm, trong đó có khoảng 100 mô hình kinh tế nông nghiệp, định hướng sản xuất an toàn. Với thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời có các cơ chế chính sách hỗ trợ, kết nối, đoàn viên thanh niên tỉnh Bắc Giang có cơ hội để khởi nghiệp, lập nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp.
Kịp thời định hướng, tạo thuận lợi
Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã có nhiều hoạt động tạo lập môi trường thuận lợi hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh triển khai nguồn vốn chương trình “Tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp”.
Đến nay, tổng nguồn vốn của chương trình này đạt hơn 12 tỷ đồng; đã giải ngân cho 122 mô hình, dự án, góp phần hỗ trợ thanh niên mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương". Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn tiếp tục quản lý hiệu quả hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua T.Ư Đoàn. Có khoảng 200 lượt đoàn viên thanh niên được hỗ trợ vay vốn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như: Mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Linh (Tân Yên); chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của anh Hoàng Văn Công (Sơn Động); trồng vải thiều, cam ngọt của anh Diệp Văn Đoàn (Lục Ngạn); nuôi cấy đông trùng hạ thảo của anh Ong Thế Dũng (Lục Nam) hay nuôi tắc kè đen của anh Ngọc Văn Viên (Sơn Động).
Năm 2019 và 2020, Tỉnh đoàn lựa chọn ba dự án có sản phẩm phù hợp, gồm: Rượu ngô men lá Lộc Sơn của chị Nguyễn Thị Kim Dung, xã Tam Tiến (Yên Thế); trà xạ đen Diệp Nhật áp dụng khoa học công nghệ của chị Nông Thị Huệ, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) và bánh quế của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa, xã Tân Trung (Tân Yên) để hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện tham gia chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Ba sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Với chủ đề “Năm thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, năm 2021, Tỉnh đoàn tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, đồng hành với đoàn viên thanh niên.
Trong đó, quan tâm một số hoạt động như: Kết nối nguồn vốn vay, hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ. Đồng thời, tiếp tục tổ chức cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến của thanh niên về khởi nghiệp. Chỉ đạo đoàn cấp huyện thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, khuyến khích thành lập các HTX nông nghiệp.
Các cấp bộ đoàn tăng cường tuyên truyền, triển khai chương trình OCOP tại địa phương, với các hoạt động như: Tập huấn, hướng dẫn xây dựng phương án kinh doanh, trang bị kiến thức thị trường, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng truyền thống; sàn giao dịch điện tử, mạng Internet.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)