Tư vấn, phản biện quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050
Dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn; GS.TS Dương Xuân Ngọc, Chủ tịch Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội cùng một số giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Quang cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Để thực hiện mục tiêu này, Bắc Giang cần hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu. Đơn cử như: Tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 15-16%; GRDP bình quân/người năm 2030 đạt khoảng 9.700 USD; trường chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt hơn 33%; có 40 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 92%; tỷ lệ đô thị hóa chiếm 55-60%...
Bắc Giang chú trọng 3 khâu đột phá: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Dự thảo quy hoạch đề ra các phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội, các khu chức năng; phương án phát triển đô thị, nông thôn và hạ tầng; phương án bảo vệ môi trường, tài nguyên, sử dụng đất; các giải pháp chủ yếu và danh mục dự án đầu tư.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tham gia tư vấn, phản biện. |
Các nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện nhằm xây dựng quy hoạch tỉnh Bắc Giang bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của vùng và cả nước.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho ý kiến về giải pháp tổ chức thực hiện, cần bổ sung cơ sở để tạo liên kết vùng, trong đó vị thế của Bắc Giang về điều kiện tự nhiên, kinh tế cần được phân tích rõ hơn; lợi thế trong xây dựng đường vành đai IV, V; cần bổ sung đánh giá về phân bố dân cư và chất lượng lao động; đặc biệt là tỷ lệ đô thị hóa hiện nay còn thấp; quy hoạch cảng cần phải gắn với khai thác cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, không chỉ mỗi vận chuyển hàng hóa.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu khó khăn khi chưa có quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng nên việc Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai quy hoạch cần phải đi trước, đánh giá đúng thực trạng chung để phù hợp. Cần nhận diện mặt bằng phát triển của Bắc Giang đang mức thấp (Dịch vụ cơ cấu, chất lượng FDI, trình độ, cơ cấu công nghiệp...).
Vì vậy, Bắc Giang cần phải có cách tiếp cận mới về việc sử dụng đất, bảo đảm cho việc sử dụng có hiệu quả cho phát triển. Đồng thời bổ sung cơ cấu dân số, dân trí, năng lực sáng tạo, khoa học công nghệ của tỉnh. Cùng đó, thực trạng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô thị, hạ tầng số chưa phát triển mạnh, trong khi đây là hạ tầng quan trọng để Bắc Giang phát triển nhanh hơn trong thời kỳ mới.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện nghiên cứu quy hoạch và phát triển phát biểu tại hội thảo. |
Qua đánh giá thực trạng hiện nay Bắc Giang cần rất nhiều năng lực (tài chính, thể chế, con người…) để giải quyết các nút thắt. Do không có lợi thế cơ bản nên Bắc Giang cần phải vượt qua nhiều thách thức như: Thách thức để thoát khỏi trình độ thấp, yếu; thách thức bước vào nhóm phát triển mới, cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên trợ lý Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương góp về định hướng phát triển nông nghiệp công công nghệ cao của tỉnh chưa phù hợp; chỉ tiêu huy động vốn tăng 14 lần là quá lớn so với chỉ tiêu tăng trưởng thêm 4- 5% dẫn đến lãng phí nguồn vốn huy động; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 ở mức 55- 60% với 32 đô thị là cao, trong khi chất lượng đô thị còn thấp.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên, Hội đồng phản biện đề nghị đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bố cục và hoàn thiện nội dung chương trình nhằm bảo đảm tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ý kiến bạn đọc (0)