Tự hào người lính quân hàm xanh
Trong căn nhà nhỏ có vườn hoa lan tươi thắm ở khoảng sân, tôi được nghe ông Nguyễn Công Tân (SN 1959) ở thôn Vân An, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) kể lại chuyện 12 năm sống, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1975, người thanh niên vùng quê cách mạng đã cố tình khai tăng 2 tuổi để được nhập ngũ vào lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng). Sau thời gian huấn luyện, ông được tăng cường cho Đại đội 3 cơ động Công an vũ trang Cao- Lạng. Thời điểm đó, tuy đất nước đã thống nhất nhưng bọn phản động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với các thế lực thù địch để thực hiện kế hoạch “hậu chiến”, lôi kéo người Việt vượt biên trái phép.
![]() |
Ông Nguyễn Công Tân (bên trái) ôn lại kỷ niệm với đồng đội. |
Cuối năm 1978, đơn vị ông nhận được tin báo một toán quân nước ngoài chuẩn bị tiến đánh, những người lính trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chinh chiến như ông Tân không khỏi lo lắng. Thế nhưng cảm giác ấy qua đi rất nhanh, thay vào đó là ý chí quyết tâm bảo vệ đường biên, chủ quyền lãnh thổ. Đơn vị được chỉ huy giao nhiệm vụ cơ động tăng cường cho cao điểm Chông Mu, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Hai bên xung đột, đối phương nổ súng trước và ta tự vệ, thà hy sinh nhưng nhất quyết phải bảo vệ cao điểm quan trọng.
Sau trận đánh đó, tháng 3-1979, đơn vị ông hành quân đến xã Quang Long, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) để tiếp tục bố trí trận địa, triển khai đội hình chiến đấu mới. Vượt hơn 20 km đường rừng, ông và đồng đội phải gập lưng đeo vác hàng chục kg vũ khí, lương thực, thuốc men. Người đau nhưng chí chẳng nguôi, chân không mỏi, sau khi lên các phương án sẵn sàng chiến đấu, đơn vị ngụy trang chờ đợi suốt 2 giờ. "Đối với tôi, thời gian đó dài như 2 ngày, ruột nóng như lửa đốt, hình dung nhiều phương án có thể xảy ra. Đội hình có một số chiến sĩ mới, lần đầu ra trận nên mất bình tĩnh. Tôi động viên tinh thần, nhắc nhở anh em tranh thủ nghỉ ngơi, sẵn sàng cho trận đánh phía trước", ông Tân chia sẻ. Theo nhận định, quân đối phương có khoảng 500 tên, còn đội hình của ta chỉ vẹn vẹn gần 30 người. Khi chúng co cụm ở một con suối để nghỉ ngơi, uống nước, đơn vị nhanh nhạy sử dụng vũ khí tiêu diệt 2/3 quân số.
Địch ngã chồng lên nhau, rút chạy tan tác. Thừa thắng xông lên, ông Tân và đồng đội tiếp tục truy quét. Không may bị trúng đạn vào cổ tay, ông ngồi dậy tự băng bó, nhất quyết không bỏ đội hình, tiếp tục chiến đấu đến khi chấm dứt cuộc chiến. Năm 2013, ông Tân nghỉ hưu với quân hàm thượng tá. Bộ quân phục quân hàm xanh, những tấm bằng khen, huân chương luôn được ông nâng niu, giữ gìn cẩn thận vì đó là tuổi thanh xuân, là cả tình yêu của mình.
Tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn thanh niên nhập ngũ được biên chế tại các đơn vị biên phòng; người trực tiếp chiến đấu, người là chuyên gia quân sự. Đầu năm 1979, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã cử một lực lượng sang giúp nước bạn Campuchia. Trong số đó có ông Nguyễn Đức Hành (SN 1958) ở thôn Khánh, xã Lương Phong (Hiệp Hòa). Gần 4 năm ở nước bạn, bất đồng ngôn ngữ, địa hình chưa quen nhưng ông vẫn luôn vững vàng. Tất cả cơ quan, trụ sở quan trọng, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn khách quốc gia khác đến Campuchia đều được đơn vị ông bảo đảm an toàn tuyệt đối. Như bao lớp thanh niên khác thời bấy giờ, ông Thân Văn Đàm (SN 1959) ở xã Minh Đức (Việt Yên) đã nhập ngũ vào lực lượng Công an vũ trang. Cùng với đội quân tình nguyện của cả nước, ông Đàm tích cực tham gia chiến đấu truy đuổi tàn quân Pol Pot; giúp người dân canh tác, chăn nuôi, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Những ngày làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia, ông Đàm cũng tranh thủ giới thiệu phong tục tập quán, nét văn hóa của Việt Nam cho cư dân nước bạn.
Trong số hàng nghìn chiến sĩ nhập ngũ, chiến đấu ở khu vực biên giới đã có không ít người hy sinh. Hiện nay, Ban liên lạc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập hợp được 1.500 người. Đại tá Lê Xuân Nội, Trưởng Ban liên lạc cho biết: Hằng năm cứ đến ngày truyền thống lực lượng, anh em, đồng đội lại tập hợp, cùng ôn lại kỷ niệm những năm tháng chiến đấu, bảo vệ biên giới, nhắc nhớ về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", những người lính quân hàm xanh năm xưa đều gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, đảm nhiệm nhiều vai trò như: Chủ tịch hội cựu chiến binh, bí thư chi bộ, trưởng thôn... Ban liên lạc còn là mái nhà chung mà ở đó các hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo; thăm hỏi, động viên nhau những lúc ốm đau, bệnh tật. Được biết, Ban liên lạc Bộ đội Biên phòng huyện Hiệp Hòa còn vận động một số thanh niên từng nhập ngũ trong các đơn vị biên phòng (nay đã xuất ngũ về địa phương) trở thành hội viên, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)