Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế duy trì chất lượng đào tạo nghề
![]() |
Một tiết học nghề tại Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế.
|
Những năm gần đây, kết quả tốt nghiệp trung cấp nghề của Trường đạt hơn 98%; tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 98-100%. Nhiều năm qua, Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế áp dụng mô hình học tập hiệu quả (học văn hóa kết hợp học nghề) được gọi là “Chương trình 9+” là giải pháp “đi tắt, đón đầu” trong cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, học sinh được học văn hóa buổi sáng, buổi chiều học nghề.
Hằng năm, Trường có hơn 87% học sinh tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng có việc làm ngay, số học sinh còn lại tự tạo việc làm tại địa phương hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Đơn cử như em Dương Văn Thắng, bản Làng Dưới, xã Xuân Lương. Xác định hướng đi cho mình là học nghề, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2011, Thắng đăng ký khóa học nghề hàn. Sau khi ra trường, Thắng mở xưởng cơ khí tại gia đình và đến nay xưởng không ngừng phát triển với thu nhập bình quân mỗi năm hơn 200 triệu đồng đã trừ chi phí.
Tương tự, em Nguyễn Đức Hiếu, thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn, năm 2018 sau khi học xong chuyên ngành công nghệ ô tô K7, Hiếu được tuyển vào làm tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải Chi nhánh Bắc Giang, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Hay như chị Nông Thị Liên, thôn Đền Giếng xã Hồng Kỳ sau khi học xong lớp Chăn nuôi thú y K3 (2010 - 2013) tại trường đã áp dụng phòng bệnh và chữa bệnh cho gia cầm thành thạo. Mỗi năm gia đình chị thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình chăn nuôi gà kết hợp với kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, người lao động sau khi được đào tạo sơ cấp và học nghề thường xuyên tại Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế đã vận dụng sáng tạo kiến thức được học vào thực tiễn. Đồng thời, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đến nay lên 60,6% và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa phát triển kinh tế gia đình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.
Được biết, để đạt được kết quả trên, những năm qua, Trường luôn quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhiều giáo viên của Trường đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và dạy giỏi các cấp. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của Trường có trình độ đại học, trong đó hơn 20% cán bộ, giáo viên là thạc sĩ.
Đối với học sinh học nghề, ngoài dạy lý thuyết và thực hành trong trường, các em còn được nhà trường liên hệ với các doanh nghiệp trong tỉnh để thực tập, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, từ chính sách ưu đãi trong học nghề, Trường đã thu hút hàng chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS.
Như Hoa
Ý kiến bạn đọc (0)