Trường nghề và doanh nghiệp: Cần thêm cơ chế gắn kết
Hợp tác đào tạo - đôi bên cùng có lợi
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện toàn tỉnh có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 5 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 15 trung tâm và 11 cơ sở hoạt động GDNN. Tổng số ngành, nghề được cấp phép đào tạo là 109 nghề với quy mô tuyển sinh gần 35,7 nghìn người/năm; tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề hằng năm đạt trên 97%.
![]() |
Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG tổ chức nhiều hoạt động liên kết đào tạo với các trường nghề trong tỉnh, tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. |
Qua đánh giá, có hơn 90% người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và hơn 80% tốt nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên tìm được việc làm. Năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, tăng 11,5% so với năm 2018.
Công tác đào tạo nghề từng bước nâng chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, nhất là ở khu vực nông thôn. Để có được kết quả này, một trong những giải pháp quan trọng được ngành LĐTBXH quan tâm triển khai là liên kết với DN trong đào tạo.
Bên cạnh đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, để đáp ứng nhu cầu nhân lực phù hợp cho DN, từ năm 2015 đến nay, hằng năm, Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang (trước đây là Trường Trung cấp Nghề miền núi Yên Thế) đã chủ động rà soát, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện đào tạo một số ngành nghề trọng điểm quốc gia gồm: May thời trang, điện - điện tử, cơ khí - động lực, hàn, công nghệ ô tô với tổng quy mô tuyển sinh từ 600 - 700 học sinh/năm, vượt chỉ tiêu được giao”.
![]() |
Dạy nghề điện tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn. |
Nhằm tạo cơ hội trải nghiệm, từ năm 2018, nhà trường triển khai việc ký kết hợp đồng với một số DN trên địa bàn huyện, bảo đảm tổ chức cho 100% học sinh, sinh viên năm cuối được thực hành, thực tập trong dây chuyền sản xuất. Hơn 80% học sinh tốt nghiệp có việc làm, nhiều em được tuyển dụng ngay tại DN mà mình vừa học vừa làm trước đó.
“Năm học cuối, tôi cùng các bạn được vào thực tập tại Công ty TNHH May Yên Thế trong thời gian 2,5 tháng. Cùng với sự đồng hành của các thầy cô trong trường, phía DN cử bộ phận chuyên môn tận tình hướng dẫn, giúp làm quen với máy móc, đào tạo những kỹ năng cơ bản để học sinh nhanh chóng bắt nhịp với dây chuyền sản xuất. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành may thời trang, tôi được công ty nhận vào làm. Hiện mỗi tháng thu nhập của tôi đạt gần 8 triệu đồng”, chị Dương Thị Bích (SN 2000), xã Phồn Xương (Yên Thế) chia sẻ.
Cuối năm 2019, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (TP Bắc Giang) và Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) hợp tác xây dựng mô hình đào tạo “50 - 50” (thời gian học lý thuyết tại trường là 50%; 50% thời gian còn lại thực hành tại DN).
Bà Trần Thị Chi, Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty cho biết: “Trung bình mỗi năm, đơn vị tài trợ một phần học phí cho khoảng 300 sinh viên (số tiền ước đạt 1,7 tỷ đồng/năm) khi tham gia mô hình. Các sinh viên sẽ được hướng dẫn, đào tạo theo vị trí việc làm mà DN đang cần tuyển dụng. Việc hợp tác này không chỉ đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp, bền vững cho Công ty mà còn khuyến khích, hỗ trợ người học hoàn cảnh khó khăn được học nghề, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”.
Nhân rộng các mô hình liên kết
Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, bên cạnh những kết quả đạt được, việc gắn kết trường nghề và DN trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của DN trong hoạt động GDNN đã được quy định tại Nghị định 15/2019/NĐ-CP năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật GDNN.
![]() |
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp và Công ty TNHH Hana Micron Vina ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. |
Tuy nhiên, các chính sách này chưa được cụ thể hóa, áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh là công ty nhỏ, vừa, chủ yếu gia công, lắp ráp sản phẩm nên sử dụng nhiều lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề hoặc ở trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, nhiều DN còn coi nhẹ hoạt động đào tạo để giảm chi phí.
Phát huy vai trò cầu nối giữa DN và trường nghề, từ tháng 3/2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐTBXH) ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận cung ứng lao động với các đơn vị: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn, Công ty TNHH Siflex Việt Nam, Công ty cổ phần PT Daehan Global Yên Dũng.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện toàn tỉnh có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 5 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 15 trung tâm và 11 cơ sở hoạt động GDNN. Tổng số ngành, nghề được cấp phép đào tạo là 109 nghề với quy mô tuyển sinh gần 35,7 nghìn người/năm; tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề hằng năm đạt trên 97%. |
Mới đây (đầu tháng 5), Trung tâm cũng kết nối để hai trường cao đẳng: Kỹ thuật công nghiệp, Nghề công nghệ Việt - Hàn ký kết chương trình hợp tác về đào tạo nghề, tiếp nhận lao động với Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung) - sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, kết quả liên kết mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức thực hành, thực tập tại DN.
Số học sinh, sinh viên có việc làm trung bình mỗi năm lên đến hàng nghìn người nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng); cơ cấu đào tạo theo nhóm ngành nghề chưa hợp lý nên khó đáp ứng vị trí việc làm của DN.
Bám sát các quy định của Luật GDNN, Quyết định số 164/QĐ - TCGDNN về Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản liên quan, theo ông Trương Đức Huấn, Sở LĐTBXH sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về nội dung này.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ DN lựa chọn mô hình liên kết đào tạo phù hợp ngay từ khâu dự báo nhu cầu, phối hợp đào tạo và tuyển dụng. Các trường, cơ sở GDNN chú trọng đổi mới chương trình giảng dạy, đầu tư thiết bị phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của DN, tạo đầu ra thuận lợi cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)