Trường học an toàn
Trong đó gồm các biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch trong phạm vi lớp có F0, các lớp khác hoạt động bình thường. Căn cứ tình hình sức khỏe của F0, nhà trường và lực lượng y tế của địa phương quyết định đưa F0 đi điều trị tại cơ sở y tế hoặc hướng dẫn phụ huynh điều trị F0 tại nhà. Đây được coi là cẩm nang quan trọng để các nhà trường, gia đình và học sinh làm căn cứ thống nhất thực hiện, tránh lúng túng trong các tình huống PCD liên quan đến giảng dạy và học tập.
Tại Bắc Giang, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, mặc dù ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện tốt các biện pháp PCD, đặc biệt là kế hoạch đón học sinh trở lại trường nhưng ngay trong tuần đầu đã phát hiện hàng trăm học sinh là F0 phải điều trị. Nhiều giáo viên, học sinh đến trường lại trở thành F1 phải cách ly tại nhà.
Mặc dù không có trường học nào “đóng cửa” chuyển sang học trực tuyến nhưng nhiều lớp ngay sau buổi học trực tiếp đầu tiên đã chuyển sang học trực tuyến bảo đảm phù hợp với tình hình mới. Tâm lý học sinh, thầy cô giáo ít nhiều bị ảnh hưởng, chất lượng các buổi học trực tuyến so với trực tiếp khiến nhiều phụ huynh, học sinh còn băn khoăn. Đáng lo ngại có nhiều trường hợp chưa muốn cho con em đến trường học vì lo ngại lây lan dịch Covid-19, nguy cơ trường học là ổ dịch…
Những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, học sinh hoàn toàn có cơ sở khi số lượng học sinh mắc Covid-19 tăng trong bối cảnh học sinh tiểu học, mầm non chưa tiêm vắc-xin PCD; vẫn còn học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên chưa tiêm đủ 3 mũi; thậm chí nhiều giáo viên, học sinh đã tiêm phòng nhưng vẫn được phát hiện là F0.
Dự báo nguy cơ tiếp tục xuất hiện F0 trong trường học là rất lớn. Việc ban hành Sổ tay bảo đảm an toàn PCD Covid-19 trong trường học giúp các nhà trường, phụ huynh và học sinh kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Đến thời điểm này, Bắc Giang đã có tỷ lệ tiêm vắc-xin, khả năng miễn dịch trong cộng đồng cao và quan điểm về PCD hiện nay chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, thậm chí chấp nhận có F0 trong cộng đồng. Trong bối cảnh hầu hết các hoạt động mở cửa trở lại, việc lây nhiễm trong cộng đồng là khó tránh khỏi, đi lại và tiếp xúc nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
Do đó, không chỉ đến trường mà học sinh ở nhà, tiếp xúc bên ngoài nhà trường cũng có thể bị lây nhiễm hoặc làm lây lan dịch bệnh trong khi mở cửa trường học là yêu cầu cần thiết. Cùng đó, Bắc Giang đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị F0, cách ly F1 và xử lý các ổ dịch tại nhà, trong cộng đồng và ở trường học, sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp PCD đồng bộ bảo đảm an toàn cho học sinh, nhà trường.
Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các trường học, ngành GD&ĐT tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các trường học, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nghiêm túc thực hiện các biện pháp PCD; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu con em mình nghiêm chỉnh chấp hành 5K không chỉ ở trong trường học.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)