Trọn vẹn yêu thương
“Nhà toàn đàn ông trống trải lắm cô”
Anh Quang đi bộ đội ở chiến trường biên giới phía Bắc. Năm 1979, khi cùng đồng đội đi gỡ mìn ở Cao Bằng, anh bị thương nặng. “Bốn anh em đi thì ba anh hy sinh, mình tôi may mắn sống sót. Khi tỉnh lại thương tích đầy người, xót xa nhất là đôi mắt của tôi không còn nữa”, anh bùi ngùi kể lại.
![]() |
Lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh và đại diện gia đình trao quà cưới cho vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Quang. |
21 tuổi, từ một thanh niên khỏe mạnh, tràn đầy nhiệt huyết, anh thành tàn phế, xung quanh toàn màu đen, theo đúng nghĩa. Đi khắp các bệnh viện chữa trị, năm 1991, với mức thương tật 94%, anh về Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) và gắn bó từ đó đến nay.
Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Năm 1987, anh xây dựng gia đình và sinh được ba người con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Thuận vợ thuận chồng, gia đình đang ấm êm hạnh phúc thì chị mắc bạo bệnh. Bốn năm trời, anh chống gậy dò dẫm đưa chị đi chữa bệnh, vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi các con ăn học. Năm 2017, vợ anh qua đời.
“Lúc đó, tôi suy sụp vô cùng. Tôi tưởng ông trời đã bù đắp cho tôi đôi mắt là cô ấy ai ngờ lại lấy đi của tôi thêm lần nữa. Bốn bố con, thằng nhỏ 17, thằng lớn 24 tuổi, đứa đi học, đứa đi làm, nhà không có phụ nữ, hụt hẫng, trống trải lắm cô ơi”.
Ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công, nơi anh được hưởng chế độ chăm sóc suốt đời, ai cũng phục cách anh nuôi dạy con. Cả ba con trai của anh đều ngoan ngoãn, biết yêu thương, chăm sóc bố, bảo ban nhau học hành và tháo vát việc nhà. Năm 2019, Trung Anh - con trai lớn trúng tuyển biên chế làm ở Ban Quản lý Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Dũng - con thứ hai làm điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; còn Doanh - cậu út học Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.
Đầu năm 2020, con trai thứ hai cưới vợ. Mình anh xoay xở từ mua măng, mua miến, nhờ người nấu cỗ, bắc rạp… tất cả đều chu toàn. Anh bảo: “Mẹ cháu không còn nên tôi càng không muốn cháu phải tủi thân, thiệt thòi”.
Ngày cưới con, hình ảnh bốn bố con dậy sớm thắp hương cho mẹ rồi dắt nhau đi chào khách, lên sân khấu nói lời cảm ơn mọi người khiến ai cũng xúc động, cay xè mắt.
Cả Trung tâm vun cho anh thương binh và cô cấp dưỡng
Chị Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh tâm sự: Tất cả thương binh nặng ở Trung tâm ai cũng đáng thương, cũng xứng đáng được quan tâm chăm sóc đặc biệt nhưng anh Quang đặc biệt hơn cả. Người bình thường đau yếu, trái gió trở trời nhưng mắt còn sáng, còn nhìn thấy, đỡ cực; đằng này anh Quang phải chịu đựng tất cả, mà vợ không có, con đi học, đi làm xa, cứ lủi thủi một mình, rất tội.
![]() |
Tác giả (thứ 3 từ phải sang) cùng gia đình anh Quang. |
Hôm về Đông Sơn dự đám cưới con trai anh Quang, thấy anh thường xuyên một mình ở nhà, sinh hoạt gói gọn trong căn phòng nhỏ, bếp ga, bếp điện, bình nóng lạnh ngay sát đó, cả tôi và chị Liên - vốn được anh Quang coi như người thân trong gia đình đều không yên tâm. Nói với Trung Anh- cậu con cả về chuyện tìm người làm bầu làm bạn với bố và cũng để phòng lúc này lúc kia khi các con vắng nhà, Trung Anh lặng đi không nói gì.
Ở Trung tâm, có cô cấp dưỡng cũng tên là Liên hoàn cảnh riêng khá éo le. Cô ly hôn khi con gái mới vài tháng tuổi, hơn 10 năm nay cô ở vậy chăm con. Cô hiền lành, nhẹ nhàng, ít nói, nấu ăn ngon và rất khéo chăm thương binh, ai cũng quý. Cô và anh Quang, cả hai đều thương cảm nhau nhưng chỉ dừng ở tình cảm anh em, người một nhà ở Trung tâm.
Cuối năm 2020, khi lo phần mộ cho mẹ xong xuôi, lúc này Trung Anh mới nói với bố: Các cụ nói con chăm cha không bằng bà chăm ông; chưa kể con đi làm tận Sơn Động, tháng mới về một lần. Em Dũng làm bệnh viện, trực liên tục. Em Doanh đi học, ở lại trường. Con thấy cô Liên cũng thương bố, bố quý mến cô, bố làm bạn với cô Liên đi, cho có ông có bà, bố có thêm con gái, chúng con có thêm em. Cả nhà dựa vào nhau, chắc mẹ con sẽ vui và ủng hộ!
Vốn chả phải ai xa lạ, đều hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tính của nhau, đặc biệt được các con ủng hộ, cả Trung tâm vun vào, đám cưới của anh thương binh nặng và cô cấp dưỡng đã diễn ra sau đó, ngay tại Trung tâm Điều dưỡng.
Có lẽ chưa có đám cưới nào xúc động đến như thế! Hôn lễ được tổ chức ở hội trường, 100% cán bộ Trung tâm, cả chị Liên- Giám đốc đều xung phong lên hát. Thương binh người ngồi xe lăn, người chống nạng gỗ đến cổ vũ, chung vui cùng cô dâu chú rể. Lần này bốn bố con cũng dắt nhau đi chào khách, nói lời cảm ơn nhưng đã có thêm chị dắt anh đi, cả cô con gái nhỏ chạy tung tăng…
Mùa vui nay đã về
Lấy nhau xong, lại đúng đợt dịch, Trung tâm Điều dưỡng Người có công được tỉnh trưng dụng làm khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân Covid, anh chị trở về quê ở. Giờ thì căn bếp, căn nhà đã đỡ trống trải hơn; Trung Anh, Dũng, Doanh yên tâm khi bố ở nhà ăn uống sinh hoạt điều độ, vui, khỏe hơn. Chị Liên, vợ anh cũng như trẻ ra vì hạnh phúc.
Cuối năm 2021, Trung Anh cưới vợ- cô y tá điều dưỡng, nhà ở Thanh Luận (Sơn Động), nơi cậu công tác. Thủ tục cưới hỏi xong xuôi, tính ngày tổ chức mời cỗ thì Covid ập tới. Bố con anh quyết định gương mẫu, hoãn không tổ chức đám cưới, cả xóm ai nấy đều khen.
“Năm nay đông đủ, tôi lên chức ông nội rồi, lại có con dâu trưởng, cả nhà sẽ gói bánh chưng. Lâu lắm rồi, bếp nhà tôi chiều 30 mới đỏ lửa, đông đủ, mời cô lên ăn tất niên với gia đình ”- anh Quang phấn khởi điện cho tôi.
Tôi không dám hứa trước vì dịch giã, không biết thế nào nhưng chắc chắn, tôi sẽ chia vui cùng gia đình anh, chia vui về sự đầm ấm, sum vầy sau bao năm gian khó, trống trải của bố con anh.
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về”. Tết này sẽ là Tết ấm yêu thương, cái Tết đặc biệt sum họp của đại gia đình anh và chúc cho anh có nhiều mùa xuân như thế!
Thu Hương
Ý kiến bạn đọc (0)