Trợ lực phát triển vùng dân tộc thiểu số
Thôn, bản chuyển mình
Những ngày này, cùng cán bộ Phòng Dân tộc huyện Sơn Động về thăm thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn, một trong những thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh, chứng kiến niềm vui của người dân địa phương khi ngầm Mỏ Đồng đang được gấp rút thi công và hoàn thành vào cuối năm nay.
![]() |
Công trình ngầm Mỏ Đồng, thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn đang thi công. |
Theo ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn, trục đường bê tông từ quốc lộ 31 qua thôn Trại Răng vào thôn Rộc Nẩy chỉ dài hơn 1 km nhưng có đến hai ngầm. Mỗi khi mưa lớn, thôn Rộc Nẩy và một phần thôn Trại Răng bị chia cắt hoàn toàn với các thôn khác trong xã, nhiều trường hợp bị lũ cuốn khi qua ngầm tràn, trong đó, có một học sinh tử vong.
Từ nguồn chính sách hỗ trợ đầu tư cho các thôn, bản ĐBKK theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, năm nay, ngầm Mỏ Đồng được xây dựng với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Cùng đó, UBND huyện Sơn Động bố trí hơn 2 tỷ đồng xây dựng ngầm thôn Trại Răng.
Hiện hai công trình đang được gấp rút thi công. “Do các ngầm qua suối lớn nên mỗi khi mưa to phải mất hơn 2 ngày để nước rút, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là học sinh. Vào vụ thu hoạch vải thiều, ô tô không thể vào thu mua, có lúc người dân phải đi vòng gần chục km qua xã Biển Động (Lục Ngạn) để tiêu thụ. Khi hai ngầm hoàn thành, việc đi lại thuận lợi hơn, nông sản dễ tiêu thụ”.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, các thôn, xã ĐBKK và các xã ATK được hỗ trợ hơn 452 tỷ đồng để đầu tư, duy tu 1.133 công trình; hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế. Từ chính sách đặc thù theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, giai đoạn này, tỉnh dành 72 tỷ đồng hỗ trợ, xây dựng 28 công trình thủy lợi, 33 công trình giao thông cho 52 thôn, bản.
Qua đánh giá, các công trình phát huy hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo (tỷ lệ hộ nghèo của các thôn giảm bình quân 4,16%/năm). Ghi nhận tại xã Vĩnh An (Sơn Động), từ nguồn vốn Chương trình 135, tuyến đường qua các thôn Phú Hưng, Hiệp Keo nối với tổ dân phố Lừa, thị trấn An Châu được xây dựng mới, tạo thuận lợi cho việc đi lại, kết nối để phát triển.
Tương tự, từ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND tỉnh, dự án cải tạo, sửa chữa đập Hoa Lai và cứng hóa 1,5 km kênh mương dẫn nước được triển khai, trở thành “cú hích” để 125 hộ dân thôn Đồng Mận, xã Vô Tranh (Lục Nam) phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Hoa, thôn Đồng Mận chia sẻ: “Trước đây dù có mương đất nhưng việc dẫn nước từ đập về khó khăn, bị thất thoát, nhiều diện tích cây ăn quả và đất nông nghiệp ở cuối nguồn không có nước, khó sản xuất. Tuyến kênh được xây dựng, việc lấy nước thuận lợi hơn, dễ trồng trọt, nâng năng suất, thu nhập cho gia đình”.
Sẵn sàng đón làn gió mới
Qua đánh giá từ sự hỗ trợ cùng với các chính sách dân tộc khác được triển khai thực hiện, diện mạo vùng đồng bào DTTS có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước cải thiện; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại vùng này chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Các dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện nhiều năm nhưng mức đầu tư còn thấp, đối tượng nhiều nhưng nguồn vốn phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu. Để phát triển theo hướng bền vững, Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, UBND tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện giai đoạn 1 (2021-2025); đề xuất Ủy ban Dân tộc lựa chọn huyện Sơn Động làm điểm. Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong dự thảo kế hoạch, chúng tôi đã rà soát, lên kế hoạch chi tiết. Nếu huyện Sơn Động được Ủy ban Dân tộc chấp thuận làm điểm, huyện sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết đối với dự án được chọn”.
Một số mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm hơn 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa 95%; 100% thôn, bản ĐBKK bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương 50%, tưới tiêu chủ động cho 75% diện tích trồng lúa nước và cây hằng năm. Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh |
Để đón làn gió mới về vùng DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã có kế hoạch đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của Chương trình trong năm 2021 và 2022.
Trong đó tập trung xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư xây dựng công trình tại các xã, thôn ĐBKK; đầu tư cải tạo nâng cấp đường đến trung tâm xã; cải tạo nâng cấp chợ; đầu tư xây dựng các trường nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, cải tạo nâng cấp trạm y tế xã.
Cùng với nguồn hỗ trợ, tỉnh đã xây dựng chính sách riêng đầu tư cho vùng DTTS như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng (nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2022-2025); hỗ trợ kinh phí thêm 30% mức lương cơ sở/học sinh ở bán trú/tháng; thêm 20% mức lương cơ sở/học sinh ở nội trú/tháng).
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Khi chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi được thực hiện, người dân tại khu vực này sẽ có thêm các nguồn lực để phát triển. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào cần chủ động hơn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương; đóng góp công sức để cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)