Tri ân người có công
Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng những đau thương mất mát bởi chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Vẫn còn biết bao người vợ ngóng chồng, con tìm kiếm cha, bao thương binh, bệnh binh hằng ngày chống chọi với bệnh tật và cả với cuộc sống cơm áo gạo tiền.
Chúng ta có được cuộc sống bình yên hôm nay, một phần không nhỏ là nhờ công sức của họ. Do đó, việc bảo đảm cuộc sống cho những người có công chính là đạo lý, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt.
Chẳng có ai mong muốn cuộc đời mình phải “sống dựa” vào người khác, đặc biệt với những người lính quả cảm, một thời vào sinh ra tử, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhưng khi trở về với đời thường, đối diện với cuộc sống, nhiều khi họ lại bất lực.
Có nhiều lý do để họ khó thoát nghèo, đó có thể do khách quan, có thể do hạn chế về sức khỏe, hoàn cảnh riêng song dù là lý do gì mà người có công có cuộc sống kém hơn so với mặt bằng chung cũng đều rất trăn trở.
Rất mừng là tỉnh Bắc Giang đã “về đích” sớm trước cả nước trong việc chăm lo cho người có công, gia đình chính sách. Toàn tỉnh hiện có hơn 26 nghìn đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng và 100% trong số đó đều thoát nghèo, không có ai bị bỏ lại phía sau. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, thì đó là cả sự cố gắng và một sự tri ân nghĩa tình, thiết thực.
Chăm lo cho người có công, cho những người, gia đình có thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc là việc làm không chỉ của một ngành, một tháng 7, một ngày 27/7 mà cần là những việc làm thường trực trong toàn xã hội, mỗi người, mỗi lúc.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để người có công thoát nghèo, cần sự vào cuộc đồng bộ. “Phải phân công cán bộ, đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, dùng các chính sách vận động, thuyết phục. Trường hợp không thể thoát nghèo do những lý do bất khả kháng như người khuyết tật, địa phương sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ giải quyết dứt điểm trong năm 2020”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo.
Tin rằng, với sự đồng lòng của chính quyền và người dân, bằng truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” từ bao đời nay của dân tộc, người có công sẽ có cuộc sống ngày một tốt hơn và hạnh phúc hơn, vì họ xứng đáng được như vậy.
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)