Trái cây nhập khẩu: Mập mờ xuất xứ
BẮC GIANG - Trước đây, muốn mua trái cây nhập khẩu, người dân phải vào siêu thị, cửa hàng chính hãng nhưng hiện nay, mặt hàng này được bày bán phổ biến tại các chợ. Bên cạnh những cửa hàng kinh doanh uy tín vẫn có không ít cơ sở bán sản phẩm mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ, giá cả, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng.
Loạn giá, không rõ nguồn gốc
Ngày đầu tháng 12, chúng tôi vào cửa hàng bán lẻ hoa quả lớn ở chợ Mía, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Tại đây có 2 sạp quả gắn biển lê Hàn Quốc (một loại có vỏ màu nâu, trên tem in chữ “Moon Pear”, giá 70 nghìn/kg và một loại vỏ vàng nhạt, có đốm nâu, tem in chữ “Wow Pear”, giá 50 nghìn đồng/kg). Anh bán hàng mời chào: “Các chị mua lê đi, hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về đấy, ngọt lắm, bảo đảm chất lượng”. Thế nhưng chúng tôi để ý mấy thùng cát-tông đang đựng những quả lê tương tự gần đó lại thấy tem nhãn ghi chữ “made in China”; khi quét mã QR trên quả lê để kiểm tra thông tin sản phẩm thì không thấy hiển thị nội dung nào về nguồn gốc. Thấy khách hàng băn khoăn, người bán phân bua: “Chắc do mạng điện thoại của chị chậm, chứ hàng nhà em chuẩn mà”. Ngoài lê, cửa hàng này còn bày bán một số loại trái cây khác được quảng cáo là nhập khẩu như táo, nho… nhưng không dán tem, nhãn theo quy định.
![]() |
Một cửa hàng tại chợ Mía, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) bán lê không rõ xuất xứ. |
Tiếp đó, chúng tôi vào một cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu trên đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Cửa hàng khá rộng, có tủ lạnh bảo quản trái cây, tại đây bán 2 loại lê tương tự như cửa hàng tại chợ Mía. Người bán cũng nói là lê Hàn Quốc nhưng giá 190 nghìn đồng/kg. Hàng đắt nhưng chưa “xắt ra miếng” vì quét mã QR trên quả lê không thấy thông tin về nguồn gốc, nơi sản xuất. Tuy vậy, chị bán hàng vẫn quả quyết: “Yên tâm đi, hàng này nhập chỗ uy tín, lâu nay chưa ai phải phàn nàn về chất lượng”.
Đến cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Lê Lợi (gần UBND phường Dĩnh Kế) đúng lúc chiếc xe chở trái cây nhập khẩu, biển số TP Hà Nội đến giao hàng. Chủ xe khẳng định hàng trên xe có hóa đơn nguồn gốc đầy đủ nhưng khi quét QR-code một số loại trái cây bày bán tại đây như lê, táo, cam đều không hiện thông tin nguồn gốc, xuất xứ.
Nhìn những quả lê Hàn Quốc (mua ở một trong số những cửa hàng nêu trên), chị Vũ Thu Hòa, nhân viên cửa hàng trái cây nhập khẩu số 28 đường Lê Lợi, phường Lê Lợi nói: “Cửa hàng chúng tôi cũng đang bán loại lê này nhưng đây là lê Trung Quốc, không phải lê Hàn Quốc. Hàng Hàn Quốc dạo này hiếm lắm, ít có để nhập mà giá rất cao”.
Khảo sát tại thị trấn Vôi (Lạng Giang); các phường Nếnh, Bích Động (thị xã Việt Yên); thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam)… cũng thấy nhiều loại trái cây nhập khẩu được bày bán nhưng không tuân thủ quy định về dán tem, nhãn. Ngoài ra, các loại trái cây này còn được rao bán phổ biến trên chợ mạng. Nho đỏ, nho xanh được giới thiệu là hàng nhập khẩu chỉ có giá từ hơn 100 đến vài trăm nghìn đồng cả thùng từ 3 đến gần chục kg. Trong khi đó, giá 1 kg nho nhập khẩu tại siêu thị Go! Bắc Giang rẻ cũng hơn 100 nghìn đồng, cao vài trăm nghìn đồng; 1 kg lê Hàn Quốc tại siêu thị Co.opMart Bắc Giang là 139 nghìn đồng.
Cần siết chặt quản lý
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số người bán hàng vì lợi nhuận đã nhập sản phẩm không rõ nguồn gốc; đánh tráo, giả mạo xuất xứ để tạo niềm tin với khách hàng. Người tiêu dùng phần lớn chưa quan tâm kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, mua hàng theo cảm tính. Hỏi một vài khách mua trái cây nhập khẩu ở những cửa hàng mà chúng tôi ghé qua đều nhận được những câu trả lời đại loại như: “Thấy tươi thì mua chứ không để ý kỹ về nguồn gốc” hoặc “không biết kiểm tra, quét mã thế nào”, “Mua quen nên chủ hàng nói sao tin thế”…
Qua nắm bắt thông tin, Cục Quản lý thị trường tỉnh vừa chỉ đạo các đội trực thuộc tại các huyện, thị xã, TP thời gian tới quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh trái cây nhập khẩu”. Ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh
|
Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc mặt hàng này còn hạn chế. Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh chưa xử lý vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh các loại trái cây nhập khẩu. Theo quy định, trái cây nhập khẩu là mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm dịch thực vật. Chi cục bảo vệ thực vật cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm tra, xử lý khi được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền cấp giấy chứng nhận. Do chưa được ủy quyền nên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang chưa thực hiện chuyên đề kiểm tra trái cây nhập khẩu trên địa bàn.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ thì hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa quy định gồm: Tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại phụ lục I của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm tính trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Xuất xứ hàng hóa cần phải ghi đầy đủ cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Thế nhưng hầu hết các trái cây gắn mác nhập khẩu đang bày bán trên thị trường Bắc Giang chưa được người bán thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Thường các tem chỉ ghi thông tin chung chung và có tình trạng giả mạo tem nhãn chính hãng nên không thể truy xuất nguồn gốc.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây nói chung và trái cây nhập khẩu nói riêng tăng cao. Nhằm bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, đề nghị cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong kinh doanh trái cây nhập khẩu. Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, không đúng chủng loại, giá cả, người tiêu dùng nên chọn mua hàng tại các địa chỉ uy tín để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Qua nắm bắt thông tin, đơn vị vừa chỉ đạo các đội trực thuộc tại các huyện, thị xã, TP thời gian tới quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh mặt hàng trái cây nhập khẩu”.
Ý kiến bạn đọc (0)