TP Bắc Giang: Bảo đảm chất lượng nhân lực theo nhu cầu tuyển dụng
Thạo nghề, dễ tìm việc
![]() |
Sau đào tạo, nhiều lao động đã được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần Ba Sao. |
Theo tổng hợp của ngành chức năng, giai đoạn 2017-2020, toàn TP có hơn 8 nghìn lao động được đào tạo nghề, trong đó gần 3 nghìn người được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, còn lại là dạy nghề ngắn hạn. Cùng đó, số lao động được tạo việc làm mới mỗi năm đạt từ 2,5 nghìn đến 2,8 nghìn người.
Tìm hiểu tại Hội Liên hiệp Phụ nữ TP được biết, hằng năm, Hội đều phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu, tổ chức các lớp dạy nghề sửa chữa điện, may mặc, làm hoa lụa… miễn phí cho người lao động. Đơn cử từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm, Hội phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho hơn 1 nghìn hội viên.
Sau khi đào tạo, 70% học viên được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, HTX với thu nhập ổn định. Ngoài ra, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, hội còn giới thiệu hàng nghìn phụ nữ vào làm việc tại một số đơn vị như: Công ty TNHH Onechang Vina, Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu Bắc Giang, Công ty cổ phần Ba Sao...
Chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Đông Mo, xã Dĩnh Trì, lao động được đào tạo nghề may và giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH Onechang Vina, phường Xương Giang chia sẻ: “Hiện mỗi tháng, ngoài hưởng các chế độ bảo hiểm, trợ cấp xăng xe, tôi có thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Qua thống kê, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP đạt 72%, cao hơn bình quân toàn tỉnh gần 4%. Nhờ thạo nghề, nhiều lao động trên địa bàn TP được giới thiệu và nhận vào làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo bà Đặng Thị Hương, Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu SHT Bắc Hải, xã Dĩnh Trì, trong các năm 2017-2018, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động đã qua đào tạo nghề may để tham gia sản xuất kịp hoàn thành đơn hàng.
Từ sự giới thiệu của ngành chức năng, tổ chức đoàn thể địa phương, công tác tuyển dụng thuận lợi, chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp đã tuyển đủ lao động. Đặc biệt, nhiều lao động đã được đào tạo nghề nên nhanh chóng hòa nhập với môi trường, công việc. Thời gian tới, khi mở rộng sản xuất, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể ở TP để hỗ trợ giới thiệu tuyển dụng.
Nâng chất công tác dự báo
Tuy nhiên, từ thực tế, ngành chức năng TP cũng nhìn nhận công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn còn hạn chế như: Việc đào tạo tại một số cơ sở dạy nghề tư nhân chủ yếu là kèm cặp và truyền nghề; mặt bằng, trang thiết bị phục vụ học tập còn thiếu; cán bộ được giao phụ trách công tác đào tạo nghề ở phường, xã kiêm nhiệm nên ít có thời gian tư vấn cho người lao động.
Với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% vào năm 2025, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH, UBND TP Bắc Giang vừa triển khai kế hoạch đào tạo nghề và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, giai đoạn này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài TP phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 13 nghìn người, tương đương gần 2,6 nghìn học sinh, sinh viên, người học nghề/năm. Quy mô tuyển sinh đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tăng từ 2.370 người lên 3.040 người.
Lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 1.192 người lên 1.636 người năm 2025, bảo đảm phù hợp với quy mô đào tạo. Đồng thời hơn 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, hơn 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp; hơn 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo.
Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP, để hoàn thành mục tiêu này, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, thông tin, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm cũng như đào tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cung - cầu thị trường lao động; tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn, một số phường, xã cũng chủ động triển khai những giải pháp để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới. “Trên địa bàn phường Xương Giang có hai cụm công nghiệp với hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều đơn vị trong cả nước đến đây tuyển dụng lao động. Do đó, phường sẽ rà soát, tổng hợp dự báo số lao động có nhu cầu cần việc làm trong nước và xuất khẩu cũng như nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để phối hợp tư vấn học nghề, tuyển dụng lao động. Phường thông tin trên hệ thống truyền thanh về chỉ tiêu, vị trí cũng như phương thức tuyển dụng để giúp người lao động nắm bắt, tham gia khi có nhu cầu” - bà Hà Thị Mỹ Hạnh, cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội phường Xương Giang cho biết.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)