Tổ quốc ở Trường Sa
Khẳng định chủ quyền biển, đảo
Cờ Tổ quốc là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt. Đến với Trường Sa, điều đầu tiên, dễ nhận thấy nhất và thiêng liêng nhất là hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Cờ Tổ quốc tung bay trên cột mốc chủ quyền, sở chỉ huy, tại các âu tàu, ngọn hải đăng hay trên những chuyến tàu, ca nô ra vào đảo…
![]() |
Lễ chào cờ tại đảo Trường Sa. |
Không chỉ là vật chứng khẳng định chủ quyền, cờ Tổ quốc còn là món quà đặc biệt, vô giá của những người lính đảo. Do ở nơi đầu sóng ngọn gió, thời tiết khắc nghiệt, cờ rất nhanh bị bạc màu, sờn rách. Sau khi thay mới, những lá cờ cũ được cán bộ, chiến sĩ viết, ký tên rồi cất giữ cẩn thận dành tặng các đoàn công tác ra thăm đảo. Trong tiếng sóng biển ầm ào, hỏi về lá cờ đỏ sao vàng, từ chiến sĩ mới cho đến những sĩ quan đã dạn dày nắng gió đều khẳng định đó là hình bóng non sông Tổ quốc mình. Còn cờ là còn đảo. Mỗi lá cờ nơi đảo xa đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của biết bao thế hệ trong cuộc trường chinh giữ gìn biển, đảo.
Ra Trường Sa, điều chúng tôi được nghe nhiều nhất, xúc động nhất là sự kiện ngày 14-3-1988. Trước đó, để ngăn chặn ý đồ của nước ngoài đánh chiếm các bãi đá ngầm, các lực lượng thuộc Quân chủng hải quân đã dũng cảm vượt qua khó khăn, gian khổ, củng cố, tăng cường thế đứng của nước ta trên khu vực quần đảo Trường Sa. Song bất chấp công lý và lẽ phải, ngày 14-3-1988, các lực lượng tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc đã bất ngờ tấn công quân sự, đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta.
Từ ngày 9 đến 18-4, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang gồm đại diện lãnh đạo tỉnh, một số ngành, huyện do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các đảo: Đá Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Đá Tây, Cô Lin, Trường Sa Lớn, Thuyền Chài và Nhà giàn DK1/11. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà trao tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa 500 triệu đồng; trao tặng nhiều phần quà cho cán bộ, chiến sĩ tại các đảo tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. |
Đó còn là hình ảnh 9 cán bộ, chiến sĩ trên đảo siết chặt tay nhau kết thành vòng tròn bất tử, phía trước đối mặt với quân thù, sau lưng là cờ Tổ quốc. Trong cái ngày không thể nào quên ấy, 64 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Và trong bài thơ “Tổ quốc ở Trường Sa”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã dành những lời da diết tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở đảo đá Gạc Ma: "Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương/ Họ đã lấy thân mình làm cột mốc/ Chặn quân thù trên biển đảo quê hương".
Và không thể không nhắc đến hành động cao đẹp của anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng và 8 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998, Nhà giàn bị rung lắc dữ dội, anh vẫn động viên cấp dưới kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy. Trước khi Nhà giàn bị đổ, anh đã thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng rồi rời Nhà giàn sau cùng, thanh thản đi vào lòng biển sâu.
Vững vàng nơi đầu sóng
Đến Trường Sa, nhìn lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trong nắng gió, cảm xúc bỗng dâng trào. Thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc nhất, đặc biệt nhất là lễ chào cờ ở Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, đã thành thông lệ, hằng ngày, lễ thượng cờ Tổ quốc được tiến hành tại cột mốc chủ quyền ở các đảo. Mỗi tháng, các đảo tổ chức lễ chào cờ một lần vào sáng thứ Hai tuần đầu tiên. Khi đó, tất cả quân, dân trên đảo đều tham gia. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong tiếng Quốc ca hùng tráng, tiếp đến là 10 lời thề danh dự được cán bộ, chiến sĩ dõng dạc hô vang trong không khí trang nghiêm, xúc động, tự hào.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ quê Bắc Giang tại đảo Trường Sa. |
Qua trò chuyện với những người giữ đảo, có một tin vui là ngày càng có nhiều bạn trẻ xung phong ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Hỏi về lý do, các chiến sĩ Lê Văn Thanh, quê ở Quảng Bình, làm nhiệm vụ tại đảo An Bang; Hồ Văn Công, quê ở Bình Dương, làm nhiệm vụ tại đảo Cô Lin và nhiều chiến sĩ khác đều nói bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của tất cả mọi người, trong đó tuổi trẻ phải hăng hái đi đầu. Lại hỏi, có nhớ nhà không, đa số câu trả lời là có song đó chỉ là những ngày đầu, còn nay thì đã quen rồi. Ở đảo, từ chỉ huy đến sĩ quan, chiến sĩ đều coi nhau như người một nhà - ngôi nhà lớn trên vùng biển, đảo Trường Sa.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, những năm gần đây, cơ sở vật chất cho thực hiện nhiệm vụ, đời sống cán bộ, chiến sĩ đã nâng lên rõ rệt. Tại các đảo đều có sóng truyền hình, khu vực luyện tập thể thao, sinh hoạt văn hóa, khu tăng gia sản xuất…
Theo thời gian, ngày càng có nhiều chuyến tàu chở các đoàn công tác, trong đó có cả những chuyến tàu đưa thân nhân cán bộ, chiến sĩ ra thăm, động viên những người lính đảo. Sự quan tâm và những chuyến tàu mang theo tình cảm, kỳ vọng của đất liền sẽ thiết thực giúp những người lính đảo sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả, vẻ vang đó là canh giữ từng tấc biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, để lá cờ đỏ sao vàng mãi kiêu hãnh tung bay trong nắng gió Trường Sa.
Thế Phương
Ý kiến bạn đọc (0)