Tổ Covid cộng đồng - Những kinh nghiệm từ chống dịch ở Bắc Giang
Đến thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được kiểm soát. Mặc dù hằng ngày, số ca dương tính vẫn cao, song các trường hợp mắc đều trong khu cách ly tập trung hay ở vùng đã bị phong tỏa. Tỉnh Bắc Giang đang thực hiện tổng tiến công dập dịch, quyết tâm đến ngày 21/6 sẽ cơ bản dập được dịch, không còn phát sinh ca mắc mới.
Đến 19 giờ ngày 14/6, tỉnh Bắc Giang phát sinh thêm 121 ca mắc Covid-19 mới; tổng số trường hợp F0 là 4.117 trường hợp; F1 là 24.954 trường hợp và F2 là 93.489 trường hợp. Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân, được phát hiện tại các khu cách ly tập trung, vùng phong tỏa. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bắc Giang đã nhanh chóng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, cùng sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các bộ, ngành khác và nhiều đơn vị, địa phương từ khắp mọi miền đất nước đã chi viện tích cực, nhiệt tình. Người dân cả nước đã ủng hộ Bắc Giang cả về vật chất, tinh thần trong cuộc chiến chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, còn có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, phải kể đến đóng góp của hơn 10 nghìn tổ Covid cộng đồng với hơn 36 nghìn người tham gia và đây là mắt xích quan trọng trong hoạt động giám sát phòng, chống dịch tại cơ sở. Từ thực tế, có thể rút ra 3 kinh nghiệm quý tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ Covid cộng đồng.
Nhiều cách làm sáng tạo
Đầu tháng 5, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại; lực lượng tuyến đầu đang phải ngày đêm căng mình chống dịch nên các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thành lập tổ giám sát Covid-19 tại thôn, bản, tổ dân phố và bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, những ngày đầu, hoạt động của tổ giám sát ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa rõ chức năng, nhiệm vụ và phương thức phối hợp hoạt động.
Tổ Covid cộng đồng thôn Chuông Vàng, xã Tân Hưng (Lạng Giang) tuyên truyền, giám sát công tác phòng, chống dịch của từng hộ dân. |
Nhằm phát huy tốt vai trò của mô hình này, ngày 16/5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo các huyện, TP củng cố, thành lập các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng dân cư (gọi tắt là tổ Covid cộng đồng) dưới sự hướng dẫn hoạt động của Ban Dân vận Tỉnh ủy. Theo đó, UBND cấp xã rà soát, thành lập mới các tổ Covid cộng đồng ở 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ tình hình thực tế, nhiều địa phương đã sáng tạo, điều chỉnh tổ chức mô hình sao cho hiệu quả nhất. Bà Phạm Thị Lưu Miên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Trưởng Tiểu ban chỉ đạo tổ Covid cộng đồng xã Tân Hưng (Lạng Giang) chia sẻ: “Nhận thấy cần có một đầu mối điều hành chung hoạt động của tổ Covid cộng đồng ở từng thôn, chúng tôi đã chỉ đạo mỗi thôn thành lập 1 tổ Covid cộng đồng do bí thư chi bộ làm tổ trưởng. Trong mỗi tổ lại chia ra nhiều nhóm Covid cộng đồng theo quy mô tổ liên gia, từ 2-3 người phụ trách khoảng 15-20 hộ”.
Cũng như xã Tân Hưng, tổ Covid cộng đồng tổ dân phố Tiền Giang, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) chia nhỏ thêm 7 nhóm để dễ theo dõi, nắm bắt tình hình trên địa bàn. Tổ Covid Tiền Giang có 18 thành viên, ngoài ban quản lý tổ dân phố, cán bộ y tế - dân số, các đoàn thể, còn có sự tham gia của nhiều hội viên cao tuổi, phụ nữ. Do có sự thống nhất một đầu mối nên việc điều hành công tác tuyên truyền, giám sát di biến động của người dân trên địa bàn được thuận lợi, không bị trùng chéo.
Ở huyện Việt Yên, Yên Dũng, nơi có nhiều khu nhà trọ cho công nhân thuê còn thành lập những tổ Covid nhà trọ, tổ trưởng chính là chủ nhà trọ, thành viên là một số công nhân tiêu biểu, nhiệt tình đang trọ ở đây.
Trong bối cảnh “Chống dịch như chống giặc”, vì thế, các quy định, hướng dẫn lúc đầu cần nhanh chóng ban hành song triển khai trên thực tế lại rất cần có sự sáng tạo, điều chỉnh phù hợp. Do hàng ngày phải theo dõi, ghi chép hàng trăm nhân khẩu trong thôn, nếu quá nhiều mẫu biểu sẽ khiến các thành viên tổ Covid cộng đồng ngại làm, sót việc. Bởi vậy, ban chỉ đạo tổ Covid cộng đồng của nhiều xã đã sáng tạo, điều chỉnh mẫu biểu ngắn gọn, hợp lý hơn.
Các tổ Covid cộng đồng còn chủ động lập nhiều nhóm Zalo kết nối thông suốt giữa thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ cấp huyện đến xã, thôn, tổ dân phố và đại diện các gia đình ở địa phương. Qua đó giúp việc truyền tải, cập nhật mọi thông tin liên quan được thuận tiện hơn.
Xây đắp niềm tin, toàn dân chống dịch
Trong những ngày cao điểm ngăn chặn, dập dịch Covid-19, hình ảnh các thành viên nhiều tổ Covid cộng đồng từ thành thị đến nông thôn, khu vực miền núi, vùng cao đều hăng hái tham gia công tác phòng, chống dịch. Họ là những người đầu tiên có mặt khi biết tin xuất hiện những trường hợp liên quan đến ca F0 trên địa bàn mà không hề lo sợ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Phương châm hoạt động của tổ Covid cộng đồng là “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19, không để sót, lọt bất cứ trường hợp nghi nhiễm nào trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thành viên tổ Covid cộng đồng không chỉ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch từ các F mà nhiều khi còn bị chính số ít người dân ý thức kém gây khó dễ. Thế nhưng, họ vẫn kiên trì vận động, tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ về sự nguy hiểm của dịch Covid-19 từ đó cùng chung tay phòng, chống dịch. Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết: “Vừa qua, Công an huyện đã xử phạt hai trường hợp ở xã Tân Lập có hành vi to tiếng, xô xát với thành viên tổ Covid cộng đồng của thôn khi đến tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch tại nhà”.
![]() |
Tổ Covid cộng đồng thôn Chùa, xã Tăng Tiến (Việt Yên) tiếp tế hàng cứu trợ cho công nhân đang ở trọ trong khu vực bị phong tỏa. Ảnh: Hữu Trình |
“Cán bộ nào, phong trào ấy”. Thông qua hoạt động phòng, chống dịch lần này, lại càng thấy rõ vai trò của cán bộ, người đứng đầu ở mỗi địa phương và mỗi tổ Covid cộng đồng. Theo ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, vai trò của tổ Covid cộng đồng rất quan trọng, tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn dân chống dịch, song nếu nơi nào cấp ủy, chính quyền không quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn sát sao; cán bộ phụ trách tổ không nhiệt tình, trách nhiệm, không có phương pháp làm việc đúng thì dễ dẫn đến hoạt động của tổ kém hiệu quả, thậm chí mang tính hình thức.
“Khi thành lập các tổ Covid cộng đồng, chúng tôi đều yêu cầu cấp ủy phân công các cán bộ, đảng viên tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư là tổ trưởng, nhóm trưởng, từ đó làm đầu tầu gương mẫu cho mọi người làm theo”, ông Thịnh nói.
Do các tổ Covid cộng đồng hoạt động tích cực, không quản ngại sớm tối vì sức khỏe chung nên đã lôi cuốn người dân cùng đồng lòng tham gia chống dịch; củng cố niềm tin vào cán bộ các cấp trong cuộc chiến này. Nhiều người dân đã cảm kích kêu gọi, quyên góp ủng hộ tiền, vật chất như sữa, nước uống, trứng, gà, vịt… để hỗ trợ thành viên tổ Covid cộng đồng tham gia trực tại các điểm chốt ở thôn, tổ dân phố.
Ông Dương Thế Bằng, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng thôn Chuông Vàng, xã Tân Hưng (Lạng Giang) cho biết: “Nhiều người dân trong thôn đã tự nguyện ủng hộ gần 18 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch ở thôn. Đặc biệt, có gia đình phục vụ suất ăn miễn phí cho các thành viên làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch hay ủng hộ toàn bộ tiền điện, phông bạt sử dụng tại chốt kiểm soát”.
Tương thân tương ái, cùng vượt qua khó khăn
Trong gian khó, mọi người dân lại càng thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, thắp sáng truyền thống đoàn kết của dân tộc. Thông qua đợt dịch này, tinh thần đó lại càng thể hiện rõ khi rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gánh vác công việc hiểm nguy cho nhau.
Với thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tổ Covid cộng đồng đã chủ động quán xuyến mọi mặt đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân, với những việc làm thấm đẫm tình người.
![]() |
Tổ Covid cộng đồng thôn Trung Phong, xã Tân Lập (Lục Ngạn) kiểm tra vườn vải thiều của một gia đình đang bị cách ly tập trung để bố trí lực lượng tham gia thu hoạch giúp gia đình. |
Tại những khu dân cư bị phong tỏa, các thành viên tổ Covid cộng đồng ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam hay TP Bắc Giang… tận tình mang đồ tiếp tế đến từng nhà, từng ngõ xóm, khu phố. Bà Đinh Thị Huyền, một người dân thôn Bảy, xã Tăng Tiến (Việt Yên) xúc động nói: “Các thành viên tổ Covid cộng đồng như người mẹ hiền chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những người không may bị cách ly, không thể ra ngoài đi chợ mua sắm đồ ăn, thức uống được”.
Đỉnh điểm của đợt dịch Covid-19 ở tỉnh Bắc Giang lần này rơi đúng dịp dứa, vải thiều chín đỏ trên đồi; dưa, lúa ngoài đồng vào vụ thu hoạch… Làm gì để thu hoạch là lo lắng của những gia đình đang phải cách ly tập trung. Thế rồi, mọi việc đều được hóa giải khi có sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nòng cốt chính là các thành viên tổ Covid cộng đồng.
Các thành viên tổ Covid cộng đồng chủ động tổ chức nhân lực đến giúp các gia đình bị cách ly thu hoạch mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Theo ông Nguyễn Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, nhờ có các tổ Covid cộng đồng đã hỗ trợ đắc lực cho công tác thu hoạch, tiêu thụ nông sản trên địa bàn, nhất là đối với những thôn, xã bị phong tỏa do liên quan đến những ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Có lẽ cũng chính vì tinh thần tương thân, tương ái đó đã góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia chống dịch, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang thời gian qua.
Ý kiến bạn đọc (0)