Tình người ngày giáp hạt
Kịp thời, thiết thực
Cũng như những năm trước, dịp tháng 3 vừa qua, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) tổ chức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mỗi hộ 20 kg gạo.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường cho biết: "Dù trên địa bàn phường, số lượng hộ nghèo và cận nghèo không nhiều nhưng qua nắm bắt dịp này biết được hàng chục hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh nên phường đã quyết định hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, góp phần động viên các hộ nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. Trước đó, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, phường đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho hàng trăm lượt hộ gặp khó khăn".
![]() |
Đoàn viên thanh niên xã Liên Chung (Tân Yên) hỗ trợ cải tạo nhà ở cho gia đình anh Nguyễn Văn Tiên. |
Trước hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Tiên, thôn Sấu, xã Liên Chung (Tân Yên), Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể trong xã đã tích cực hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Anh Tiên làm nghề phụ hồ, đơn thân nuôi con học lớp 6; hai bố con nhiều năm ở trong căn nhà cấp bốn xuống cấp nghiêm trọng.
Để giúp anh cải tạo nhà, Ủy ban MTTQ xã đề xuất UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng và kêu gọi các đoàn thể vận động xã hội hóa ủng hộ kinh phí. Đoàn xã kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp được gần 20 triệu đồng, huy động đoàn viên thanh niên giúp gia đình phá dỡ công trình cũ, giải phóng mặt bằng. Gia đình anh Tiên chuẩn bị khởi công xây dựng nhà mới dự kiến với kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Theo Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên, chỉ trong quý I năm nay, toàn huyện đã xã hội hóa xây dựng 5 ngôi nhà nhân đạo cho người nghèo với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng. Cùng đó qua vận động, các doanh nghiệp (DN), nhà hảo tâm vừa trao 30 suất học bổng với tổng số tiền 145 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó. Chị Tạ Thị Huy, thôn Ngò, xã Song Vân chia sẻ: “Cuộc sống hai mẹ con tôi chủ yếu trông vào hơn hai sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn. Thật may con tôi vừa được nhận suất học bổng gần 3 triệu đồng nên có thêm điều kiện để tiếp tục đến trường”.
Đa dạng cách hỗ trợ
Toàn tỉnh hiện có hơn 14,6 nghìn hộ nghèo, 18,6 nghìn hộ cận nghèo. Năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều gia đình. Để giúp người dân vơi bớt khó khăn, Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần ổn định và phát triển KT-XH.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 516 nghìn lượt người, 4,2 nghìn DN, 3,9 nghìn hộ kinh doanh với tổng kinh phí hơn 764 tỷ đồng. Cùng đó tạo việc làm thêm cho 35 nghìn lao động, hơn 356 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội. |
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 516 nghìn lượt người, 4,2 nghìn DN, 3,9 nghìn hộ kinh doanh với tổng kinh phí hơn 764 tỷ đồng.
Cùng đó tạo việc làm thêm cho 35 nghìn lao động, hơn 356 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội. Từ nguồn ngân sách, các địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người nghèo, người dân các vùng đặc biệt khó khăn về giống, vốn để phát triển sản xuất.
Giờ đây, mùa giáp hạt dẫu không còn cảnh đói kém song do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều gia đình, hộ dân cũng gặp không ít khó khăn, nhất là thời điểm này nhiều mặt hàng, nhu yếu phẩm tăng giá. Trước tình hình đó, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, DN và người dân.
Đơn cử như TP Bắc Giang, cùng với đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, dột nát, UBND TP giao các phường, xã chủ động trích kinh phí và huy động xã hội hóa để giúp hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tại huyện Lạng Giang, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức chương trình “Mẹ đỡ đầu”; hỗ trợ xây nhà “Mái ấm tình thương”; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vận động hội viên tham gia "Ngày hội gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”.
Từ đó có hàng trăm hội viên gửi tiền tiết kiệm với tổng số gần chục tỷ đồng góp phần hình thành nguồn quỹ cho hội viên nghèo, khó khăn đột xuất vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Hướng đến tháng Bảy nghĩa tình, thời điểm này, các địa phương cũng tập trung thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng thoát nghèo về việc làm, vốn phát triển sản xuất; tăng thu nhập, bảo hiểm y tế, cải thiện nhà ở, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường. Qua đó phấn đấu nâng mức sống của những hộ gia đình người có công lên bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương nơi cư trú; đến cuối năm 2022, toàn tỉnh không còn hộ người có công nghèo.
Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dịch bệnh còn phức tạp, ngành tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt những trường hợp khó khăn để hỗ trợ kịp thời, nhất là đối với những người bị giãn, hoãn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập, giúp các hộ có thêm động lực từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và cuộc sống.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)