Tiêu thụ nông sản: Cần giải bài toán về "liên kết"
Nông sản được bao tiêu chiếm tỷ lệ rất nhỏ
Liên kết sản xuất theo hợp đồng mang lại hiệu quả cao, đã được khẳng định trong thực tiễn. Nông dân không phải lo đầu ra, HTX, doanh nghiệp (DN) về tận nơi thu mua sản phẩm. Ví như, vụ mùa năm ngoái, Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Hà Nội) liên kết cấy 32 ha lúa VNR20 tại cánh đồng mẫu của xã Danh Thắng (Hiệp Hòa).
![]() |
Mô hình nuôi gà sinh sản tại xã Thường Thắng (Hiệp Hòa). |
Khi thu hoạch, nông dân được Công ty thu mua thóc tươi tại ruộng, mỗi sào thu lãi hơn một triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vụ xuân này, ngoài xã Danh Thắng, người dân trong huyện còn liên kết với DN cấy hơn 100 ha lúa VNR20 tại các xã Lương Phong, Hùng Sơn và ký hợp đồng thu mua theo nguyên tắc cứ 1 kg thóc tươi bằng 1 kg thóc khô ngoài thị trường.
Lợi thế là vậy nhưng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có khoảng 900 ha lúa được sản xuất theo hình thức liên kết, chiếm 0,8% tổng diện tích lúa trên địa bàn tỉnh.
Trên rau màu, có khoảng 3.500 ha (chiếm 14% tổng diện tích rau màu) được liên kết với 4 hình thức chủ yếu. Thứ nhất là tổ chức, cá nhân thuê đất của nông dân trong vụ đông để trồng khoai tây chế biến, bắp cải, bí, hành tỏi... rồi liên kết với công ty chế biến và xuất khẩu nông sản. Thứ hai, các DN thu mua sản phẩm trực tiếp liên kết với nông dân.
Hiện nay, trong tỉnh có 10 DN liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, điển hình như: Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco; Công ty cổ phần Thương mại Tân Nông… và một số công ty ngoài tỉnh.
Thứ ba là tổ chức, cá nhân thuê đất lâu dài của nông dân (5- 10 năm) để canh tác như: HTX Rau sạch Yên Dũng trồng 30 ha rau, quả tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng); Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp T.Ư sản xuất 7 ha rau VietGAP tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang). Thứ tư là các hộ dân góp đất, thành lập HTX, tổ hợp tác cùng liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu với đầu mối tiêu thụ nông sản trước khi xuống giống.
Nhìn chung, những năm gần đây, hình thức liên kết tiêu thụ nông sản đã đa dạng hơn nhưng lúa, rau màu được bao tiêu sản phẩm vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số diện tích cây trồng toàn tỉnh.
Trong chăn nuôi, số cơ sở, trang trại liên kết sản xuất cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mội vài cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi như: Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (Hiệp Hòa); HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (TP Bắc Giang). Đàn gà có quy mô 13-15 triệu con/năm song chỉ một số trang trại, đơn vị liên kết với nhóm hộ nhỏ làm vệ tinh chăn nuôi để thu mua nguồn trứng, gà thương phẩm.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Không có hợp đồng bao tiêu, nông sản tiêu thụ bấp bênh. Đơn cử, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thời điểm vịt thịt khó bán, giá rất thấp; trứng thương phẩm chỉ hơn 1 nghìn đồng/quả khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Cùng đó, hàng trăm hộ dân ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên) phải phá bỏ ớt vì không có người mua...
Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Nguồn: Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. |
"Bài toán" liên kết tiêu thụ nông sản từ nhiều năm qua đã được ngành chức năng, chính quyền các cấp đề cập nhưng đến nay chưa có lời giải thỏa đáng, nông sản được bao tiêu ổn định chưa nhiều.
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết do nông nghiệp thuộc ngành đặc thù, lực lượng tham gia chủ yếu là nông dân, địa bàn nông thôn nên việc chuyển đổi từ sản xuất tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất mới cần phải có quá trình.
Hơn nữa, cơ chế chính sách trong sản xuất nông nghiệp phần nhiều quan tâm tạo ra sản lượng lớn, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro cao, vốn đầu tư ban đầu lớn nên khó thu hút DN đầu tư, liên kết. Một yếu tố quan trọng nữa khiến liên kết, tiêu thụ nông sản gặp khó là rất thiếu thông tin tổng thể về thị trường.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT viện dẫn, hiện nay, giá lợn cao chưa từng có. Từ T.Ư đến địa phương đều chỉ đạo tái đàn nhưng tái đàn ra sao người dân không có thông tin. Không một cơ quan nào trả lời được quy mô bao nhiêu, bao giờ giá lợn xuống để có hướng dẫn cụ thể nuôi bằng nào con lợn thì đủ.
Trong khi một số bộ, ngành T.Ư đề ra giải pháp sẽ nhập khẩu thịt lợn nhưng nhập lượng bao nhiêu, khi nào nhập và cơ cấu ra sao cũng không rõ. Điều này khiến người dân e ngại tái đàn bởi đầu tư vào đàn lớn, đến khi được thu hoạch có thể giá lợn lại giảm, lỗ vốn.
Để tăng cường mối liên kết trong tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nâng quy mô sản xuất hướng vào trang trại, nông hộ trang trại, tổ hợp tác, HTX, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Được biết, căn cứ Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu cụ thể hóa triển khai nội dung này tại tỉnh Bắc Giang; đồng thời xây dựng 3 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo chuỗi liên kết trong năm nay.
Đi đôi với biện pháp trên cần tăng cường dự báo, cảnh báo tổng thể và thông tin nhanh về thị trường; vận động người dân tham gia thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại địa phương. Chính quyền cấp cơ sở nâng cao vai trò trong kiểm tra, giám sát và giải quyết tranh chấp giữa DN và nông dân khi sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)