Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp xúc cử tri về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh; Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Lục Ngạn.
![]() |
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Theo Thường trực HĐND tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 chính sách và 9 đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó 5 chính sách tập trung ở các lĩnh vực: Khoán quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX; khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ đầu tư, quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch.
Qua đánh giá, các cơ chế chính sách, đề án góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi tư duy sản xuất và hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên hiện một số chính sách không còn phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, không sử dụng hết kinh phí ngân sách tỉnh đã bố trí.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. |
Khắc phục hạn chế, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 3 dự thảo Nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 gồm: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2023-2030; Quy định nội dung và mức hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trao đổi tại hội nghị, nhiều cử tri nêu, hiện sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn bởi tình hình thế giới, khu vực cũng như biến đổi khí hậu nên việc ban hành các chính sách hỗ trợ là cần thiết. Theo ông Vi Văn Tư, Bí thư Đảng uỷ xã Phì Điền, việc quy định hỗ trợ vùng sản xuất tập trung từ 5 ha trở lên đối với trồng trọt, quy mô 5 nghìn con đối với gia cầm trở lên là không phù hợp bởi thực tế nhiều địa phương trong huyện địa hình phân tán, sản xuất quy mô nhỏ nên việc tích tụ ruộng đất gặp khó khăn.
![]() |
Cử tri huyện Lục Ngạn nêu ý kiến. |
Để khuyến khích phát triển sản xuất, HĐND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh điều kiện được nhận hỗ trợ từ 5 ha trở lên xuống còn từ 1 ha trở lên đối với trồng trọt, quy mô 1 nghìn con trở lên đối với gia cầm. Đồng thời bổ sung quy định về hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, ngựa.
Về phát triển huyện Lục Ngạn thành vùng trọng điểm cây ăn quả, nhiều ý kiến cho rằng, sau nhiều năm canh tác, sử dụng lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên tại nhiều địa phương đất bị bạc màu, nhiều vùng cây ăn quả phải phá bỏ. Do đó, tỉnh, các cơ quan chuyên môn cần có chính sách, bố trí nguồn lực mời các nhà khoa học về nghiên cứu, đánh giá thổ nhưỡng từng vùng để khuyến cáo người dân trồng các loại cây phù hợp, sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Cùng đó quan tâm hỗ trợ chăm sóc cây trồng cũng như đăng ký sản phẩm OCOP, tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp, nhanh gọn để thâm canh tăng vụ, mở rộng thị trường…
Theo ông Bùi Văn Huân, Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Lục Ngạn, qua đánh giá việc trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị cao, chi phí đầu tư giảm, bảo vệ môi trường sinh thái song do chu kỳ thu hoạch dài, các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn về tài chính để phát triển rừng gỗ lớn. Do đó đề nghị, HĐND tỉnh xem xét, bổ sung nội dung hỗ trợ chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Tại hội nghị, đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, việc xây dựng 3 nghị quyết trên dựa trên đánh giá, phân tích tình hình địa phương cũng như học tập, rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các chính sách tại 22 tỉnh, TP. Quan điểm chung là tập trung hỗ trợ đối tượng cây trồng, vật nuôi chính, quy mô lớn; đối tượng hỗ trợ hướng đến là DN, HTX, tổ hợp tác nhằm tạo thành vùng sản xuất tập trung gắn sản xuất với thị trường.
![]() |
Ông Dương Thanh Tùng trao đổi tại hội nghị.
|
Theo ông Tùng, việc quy định quy mô từ 5 ha trở lên đối với trồng trọt, 5 nghìn con gia cầm trở lên nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tạo ra các sản phẩm đặc trưng, số lượng lớn.
Đối với việc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, tới đây ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm thủ tục hỗ trợ nhanh nhất, đơn giản nhất. Cùng đó sẽ tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng; nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển, chuyển hóa rừng gỗ lớn, trước mắt đối với cây keo…
Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Lâm Thị Hương Thành ghi nhận các ý kiến đóng góp của cử tri đối với các dự thảo nghị quyết; đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, xem xét bổ sung, hoàn thiện dự thảo trước khi trình HĐND tỉnh xem xét thông qua, bảo đảm Nghị quyết sát thực tế, sớm đi vào cuộc sống.
![]() |
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành phát biểu tại hội nghị.
|
Đồng chí đề nghị, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền các nội dung trong dự thảo đến đông đảo cử tri để nắm, tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo. Cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tiếp tục nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và trao đổi, giải đáp kiến nghị của chủ thể được thụ hưởng từ Nghị quyết, từ đó đề xuất bổ sung cho phù hợp.
Đối với các nội dung khác, đồng chí ghi nhận, nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục xây dựng các nghị quyết mới về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trong thời gian tới nhằm nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân, khai thác tối đa lợi thế.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)