Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng ở xã Đại Lâm: Cán bộ, đảng viên nêu gương
Đột phá về kinh tế
Hơn 10 năm về trước, mỗi khi nhắc đến xã Đại Lâm, nhiều người biết đó là vùng đất “chiêm khê mùa thối”. Hầu hết diện tích đất canh tác ở đây chỉ cấy được một vụ lúa không ăn chắc. Đại Lâm là một trong 3 xã nghèo nhất huyện, mỗi khi đến kỳ giáp hạt, huyện đều phải cấp gạo cứu đói cho dân.
Thế nhưng, từ khi Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010-2015 đưa ra Nghị quyết tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản và phát triển công nghiệp - dịch vụ, đến nay đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.
![]() |
Một tuyến đường mới mở về xã Đại Lâm hôm nay. |
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Công Trí phân tích: “Tuy đồng đất trũng khó canh tác song lại là cơ hội để nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, xã có tuyến quốc lộ 31 chạy qua, cách trung tâm TP Bắc Giang không xa nên thuận lợi để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp ở đây”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đại Lâm đã nhanh chóng họp bàn để tiến hành quy hoạch, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tổng diện tích khoảng 30 ha, chủ yếu nằm ở các thôn Đại Giáp, Dễu, Lải, Biếc. Các ao nuôi được bố trí khoa học, hệ thống lưu thông nước liên hoàn, giúp cá vừa nhanh lớn lại ít bị bệnh.
Anh Nguyễn Văn Việt, thôn Đại Giáp cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 ha ao nuôi thả cả. Mọi công đoạn chăm sóc cá đều được sử dụng bằng máy nên tốn ít nhân công. Năm 2021 vừa qua, từ tiền bán cá, gia đình thu về hơn 700 triệu đồng”. Thực tế cho thấy, nhờ có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã về phát triển thủy sản mà nhiều hộ dân ở đây đã khấm khá hẳn lên, trở thành hộ giàu của thôn, ví như hộ anh Dương Đăng Mạnh, Lê Văn Tới, Vũ Văn Trường…
Không chỉ quyết liệt chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản, trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, ngay từ năm 2010, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã đề nghị cấp trên đưa vào quy hoạch Cụm công nghiệp Đại Giáp, rộng 50 ha và quy hoạch thêm 2 điểm công nghiệp, rộng hơn 20 ha.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Bởi vậy, đến nay, các cụm, điểm công nghiệp của xã đã được xây dựng, thu hút 24 doanh nghiệp vào hoạt động, với tổng số hơn 3.500 công nhân.
Có thể nói, sau 2 nhiệm kỳ Đại hội, xã Đại Lâm thực hiện thành công Nghị quyết đã đề ra, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH ở địa phương. Năm 2021, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 14%; công nghiệp - xây dựng 57% và dịch vụ chiếm 29%.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 97 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của huyện. Số hộ khá và giàu tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 3,81%. Nhờ vậy, niềm tin của nhân dân với Đảng tiếp tục được nâng lên.
Rõ người, rõ việc
Kinh nghiệm từ Đại Lâm cho thấy, để Nghị quyết Đại hội sớm thành hiện thực, trước hết ngay từ đầu nhiệm kỳ và mỗi năm, Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm gắn với những mục tiêu nghị quyết đã đề ra.
Trên cơ sở đó, yêu cầu cán bộ chủ chốt của xã và các chi bộ trực thuộc đăng ký nhiệm vụ trọng tâm theo hướng rõ người, rõ việc và phân công mỗi đồng chí Đảng ủy viên phụ trách, chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện ở từng chi bộ.
Bên cạnh đó, Đảng ủy xã còn quan tâm thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy các cấp; thường xuyên kiểm tra, giám sát những công việc đã đề ra. Các chi bộ trực thuộc cũng đẩy mạnh sinh hoạt theo chuyên đề, bám vào những nhiệm vụ đăng ký từ đầu năm.
![]() |
Mô hình nuôi trồng thủy sản chuyên canh của gia đình anh Nguyễn Văn Việt ở thôn Đại Giáp. |
Các cấp ủy đảng ở xã Đại Lâm luôn phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt từ xã đến thôn. Đồng chí Giáp Văn Cần, Bí thư Chi bộ thôn Hậu bày tỏ: “Chúng tôi vừa hoàn thành việc GPMB mở rộng khu vực nhà văn hóa thôn từ 80 m2 lên hơn 2.000 m2. Để có được kết quả này, đồng chí Trưởng thôn và Phó Trưởng thôn đã chấp nhận chịu thiệt đổi diện tích đất canh tác của gia đình mình về chỗ xấu hơn”.
Từ sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có sức lan tỏa, dẫn dắt quần chúng noi theo. Các nhiệm vụ chính trị ở xã Đại Lâm mấy năm gần đây đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra.
Đơn cử như, mặc dù diện tích đất phải GPMB để thực hiện các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn xã lớn, với khoảng 150 ha, liên quan đến gần 1.500 hộ dân, song đến nay, chưa có trường hợp nào phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất.
Tỷ lệ hộ dân đóng phí vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải cũng cao nhất nhì huyện, đạt 88,6%. Nhờ vậy, nhiều năm qua, Đảng bộ xã Đại Lâm được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu biểu của huyện Lạng Giang.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)