Thực hiện kiên quyết và thực chất cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh
![]() |
Đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang thảo luận tại hội trường. |
Theo đại biểu Ngô Sách Thực, do tác động của dịch Covid-19, kinh tế nhiều nước tăng trưởng âm nhưng kết quả đạt được năm 2020 là rất đáng trân trọng, đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng và Nhà nước. Sự lắng nghe, cầu thị, vào cuộc của các cấp, các ngành, nhân dân tin tưởng, tích cực hưởng ứng thực hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng sẽ vượt qua thách thức hiện nay.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu "kép", đại biểu nêu: Về cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện kiên quyết và thực chất việc cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, khắc phục tình trạng chỉ định thầu và đấu thầu hình thức. Quy định rõ và thực hiện nghiêm trách nhiệm phản hồi đối với những dự án của các tỉnh, thành phố xin ý kiến của các bộ, ngành T.Ư và Chính phủ.
Nông nghiệp vừa qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, là trụ đỡ cho nền kinh tế lúc khó khăn do dịch Covid-19, tăng trưởng ở mức cao, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu đạt khá và bảo đảm nguồn cung về lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, nông dân cũng còn gặp nhiều khó khăn, cần sự trợ giúp. Nông thôn mới, bên cạnh những thành tựu trên, 60% số xã nông thôn mới nhưng nhiều nơi chưa thật bền vững và nhiều nơi còn nợ tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về môi trường.
Đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị cần quan tâm hơn đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; kết nối giao thông đến các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhiều nơi còn hạn chế. Ví dụ như quốc lộ 31 với chiều dài trên 100km từ Bắc Giang đi Quảng Ninh qua vùng cây ăn quả lớn trên 5 vạn ha đã hình thành trên 30 năm nay, đường đã cũ và xuống cấp trầm trọng, rất khó khăn cho việc thông thương. Cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào giải pháp đột phá về giao thông của Nhà nước trong giai đoạn tới, mong muốn tuyến đường huyết mạch này sẽ được đầu tư.
Về tài chính, ngân sách và đầu tư công, thời gian qua, nền tài chính quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực, tiến bộ hơn giai đoạn trước cả về thể chế, chính sách, pháp luật và các mục tiêu thu chi, cơ cấu lại nợ công và thực hiện 9/12 chỉ tiêu của Chính phủ đã đạt và chính sách tài khóa tiền tệ là cơ sở quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ và tăng dự trữ ngoại hối.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên phải thực hiện các gói hỗ trợ, giãn nộp một số khoản thu ngân sách. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần phải rà soát lại việc thu thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng, chống thất thu qua chuyển giá….
Về chi ngân sách, Chính phủ ban hành Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn tới là rất cần thiết. Số chi thường xuyên hiện nay vẫn chiếm 63,4% và không đạt được chỉ tiêu giảm chi thường xuyên xuống còn 61%. Cần giảm một số nội dung chi và nội dung chi không cần thiết nhưng cũng không nên giảm bình quân. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay rất cần các biện pháp kích cầu, trong đó có tăng chi cho đầu tư công song song với triển khai các biện pháp phòng, chống lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, đưa nhanh các công trình vào sử dụng…
Ý kiến bạn đọc (0)