Thực hiện chương trình sách giáo khoa mới: Khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt
Tạo hứng thú học tập
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (bậc tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Trong đó đặc biệt chú trọng hình thức dạy học mới, rèn cho học sinh sự năng động, có tư duy độc lập, khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc theo nhóm.
![]() |
Giờ học Tiếng Anh của cô và trò lớp 10A1, Trường THPT Hiệp Hòa số 4. |
Trường THPT Hiệp Hòa số 4 tổ chức giảng dạy cho học sinh lớp 10 theo 6 nhóm tổ hợp môn học. Với mỗi nhóm lớp, nhà trường gợi mở về định hướng xét tuyển đại học, giúp các em lựa chọn môn học theo sở trường. Đa số phụ huynh và học sinh đồng thuận với các tổ hợp môn nhà trường dự kiến nên việc xếp lớp hoàn tất trước khai giảng.
Trường lập thời khóa biểu linh hoạt để vừa giảng dạy hiệu quả các môn bắt buộc vừa tổ chức triển khai các chuyên đề sâu và môn học trải nghiệm. Giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin làm cho bài giảng phong phú, sinh động hơn.
Do chuẩn bị chu đáo các điều kiện dạy và học, có đủ cơ cấu giáo viên bộ môn trình độ chuyên môn vững vàng, nhà trường đáp ứng tốt yêu cầu chương trình mới. Em Nguyễn Bảo Ngọc, lớp 10A1 cho biết: "Em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên nên không phải học một số môn khoa học xã hội. Chương trình mới phù hợp với khả năng tiếp thu của em".
Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng kiến thức trong chương trình mới được tinh giản, nội dung thiết kế bài giảng hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nên các em hào hứng tiếp nhận.
Cô giáo Nghiêm Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nếnh (Việt Yên) cho biết: Trường hiện có 7 lớp 3 với hơn 200 học sinh. Để giữ vững vị trí tốp đầu về chất lượng giáo dục bậc tiểu học trên địa bàn huyện, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy. Trong tiết giảng, giáo viên trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để thực hành, ứng dụng thực tế.
Giáo viên sẽ quan tâm gợi mở, thu hút sự chú ý tìm tòi đối với các em chưa chủ động, tích cực. Tuy nhiên, khó khăn của nhà trường là thiếu giáo viên, mới đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp (yêu cầu ở bậc tiểu học là 1,5 giáo viên/lớp), nhất là giáo viên môn chuyên (Thể chất, Tin học, Âm nhạc).
Chương trình lớp 3 Tin học là môn bắt buộc nhưng nhà trường mới chỉ có 1 giáo viên dạy môn này. Để khắc phục, tạm thời Ban giám hiệu phải bố trí giáo viên hợp đồng, cán bộ quản lý tham gia giảng dạy.
Từng bước gỡ khó
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tiếp cận chương trình GDPT năm 2018, học sinh có hiểu biết mở rộng hơn so với kiến thức nền trong sách giáo khoa. Hiện nay, các trường THPT đang từng bước xây dựng lộ trình giảng dạy đầy đủ các môn học theo nguyện vọng của học sinh.
![]() |
Học sinh Trường Tiểu học Tăng Tiến (Việt Yên) tự nghiên cứu tại thư viện. |
Nhiều em yêu thích các ngành hội họa, kiến trúc, sân khấu điện ảnh mong muốn được lựa chọn tổ hợp có môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Bước đầu một số trường như: THPT Yên Thế, Lý Thường Kiệt (Việt Yên), Chuyên Bắc Giang, Lục Ngạn số 1, Lục Ngạn số 2, Tứ Sơn (Lục Nam), Lạng Giang số 2, Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã đưa môn Mỹ thuật, Âm nhạc vào giảng dạy.
Ở bậc THCS, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử, Địa lý thành môn Khoa học xã hội. Trong khi ở bậc THPT, các môn không tích hợp nữa mà lại để độc lập (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý).
Thầy giáo Lê Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân An (Yên Dũng) cho biết: Hiện nay, giáo viên dạy THCS được đào tạo phổ biến ở một lĩnh vực nên theo chương trình GDPT mới, thầy, cô chỉ giảng dạy được một phần của môn học tích hợp.
Cụ thể là người dạy môn Khoa học tự nhiên không dạy được toàn bộ kiến thức của môn học mà đòi hỏi phải ba giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học mới đảm nhiệm được. Theo đó giáo viên khó giảng bài theo tiến trình sách giáo khoa mà phải dạy từng phần kiến thức riêng lẻ của các đơn môn trong bộ môn tích hợp, làm giảm tính logic của môn học.
Hơn nữa có những kiến thức cần học trước làm cơ sở để học sinh tiếp tục học kiến thức sau. Nhà trường cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, bố trí giáo viên.
Khi giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới phần lớn các nhà trường đều sử dụng trang thiết bị của những năm trước nên nhiều thiết bị không còn phù hợp. |
Để từng bước khắc phục, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường THCS rà soát, đánh giá năng lực giáo viên để bố trí, sắp xếp lại, trong đó ưu tiên người có trình độ, năng lực chuyên môn dạy các môn tích hợp bảo đảm không phá vỡ cấu trúc môn học, giúp học sinh tiếp thu bài giảng hiệu quả.
Một điểm nữa, khi giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới, phần lớn các nhà trường đều sử dụng trang thiết bị của những năm trước nên nhiều thiết bị không còn phù hợp. Một số phòng học xuống cấp, bàn ghế, trang thiết bị cũ. Bàn ghế dành cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 vẫn sử dụng một loại kích thước, kiểu dáng.
Nhiều trường không đủ cơ sở vật chất bố trí cho học sinh học 2 buổi/ngày. Các huyện như Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang phải tập trung nguồn lực lớn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ chương trình GDPT mới trước áp lực tăng dân số cơ học ở các khu vực gần khu công nghiệp.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở yêu cầu các trường xây dựng phương án dạy và học chương trình GDPT mới trong cả giai đoạn, mang tính ổn định, lâu dài song vẫn đáp ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh.
Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Ngành giáo dục cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ hiệu quả chương trình GDPT mới.
Hiện nay, các nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, trao đổi nghiệp vụ, kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình giảng dạy, đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực của từng giáo viên để bố trí, sắp xếp lịch giảng dạy phù hợp. Riêng bậc THCS, giáo viên được đào tạo theo từng môn riêng biệt trước đây sẽ được đào tạo bổ sung để tiếp cận giảng dạy toàn bộ môn tích hợp .
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)