Thực hiện các quy định mới trong trường học: Giữ nghiêm kỷ luật, phát huy tính tự giác của học sinh
Kỷ luật tích cực
Việc bỏ những hình thức xử lý học sinh vi phạm trước đây như phê bình trước lớp hoặc trước toàn trường, cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn xuất phát từ thực tế được nhiều nhà giáo dục chỉ ra rằng: Ở tuổi mới lớn, đôi khi các em do vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà mắc lỗi. Khi bị phê bình trước đông người sẽ khiến các em cảm thấy xấu hổ với thầy cô, bạn bè; không khí tiết sinh hoạt tập thể căng thẳng, mệt mỏi, không mang lại cảm giác hào hứng thi đua cho cả cô và trò.
![]() |
Thầy giáo Lê Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại để học tập. |
Thầy Nguyễn Danh Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Việt Yên-Bắc Giang) chia sẻ: Nhiều năm trực tiếp giảng dạy và quản lý, tôi quan niệm giáo dục đạo đức là gốc của mọi hoạt động giáo dục khác; trường học là môi trường nhân văn nhất, nơi học sinh vừa học kiến thức vừa được tu dưỡng đạo đức, kỹ năng, hoàn thiện nhân cách để bước vào đời.
Trường hiện triển khai 6 không là: Không tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không thuốc lá, không bạo lực, không gian lận trong học tập và thi cử, không tai nạn thương tích. Ban Giám hiệu quán triệt cán bộ, giáo viên có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn các em thực hiện tốt các quy định, không để xảy ra vi phạm rồi mới xử lý.
Việc phê bình, xử lý học sinh vi phạm vẫn thực hiện song giáo viên gặp gỡ, trao đổi riêng một cách tế nhị hoặc phối hợp với cha mẹ, bạn bè để có hình thức giúp đỡ, giáo dục phù hợp, thực hiện hiệu quả phương châm: "Trường học là ngôi nhà thứ hai, thầy cô là người bạn tốt".
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Quốc Đường, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cho biết: "Hình thức kỷ luật tích cực sẽ giúp học sinh cảm nhận được tình yêu thương cũng như sự nghiêm khắc của thầy cô để có ý thức tự giác sửa chữa khuyết điểm".
Dùng điện thoại đúng mục đích
Một điểm mới nữa của Thông tư 32 được nhiều người quan tâm là học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ hoạt động học tập nếu được giáo viên đồng ý. Nhiều thầy cô đồng tình với quy định này.
Cô giáo Trần Thị Tô Quyên, giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam-Bắc Giang) cho biết: Với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, cơ hội học tập nâng cao kiến thức đối với tất cả mọi người ngày nay thuận tiện hơn trước. Ví như khi tổ chức một giờ dạy tiếng Anh, trước đây muốn tra cứu từ mới phải dùng cuốn từ điển giấy, mất nhiều thời gian thì nay chỉ thao tác đơn giản với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet là nhanh chóng tìm ra kết quả. Không những biết được nghĩa của từ, học sinh còn có thể nghe được cách phát âm chính xác.
Còn ở Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), thời gian gần đây, thầy cô luôn khuyến khích, hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng điện thoại hiệu quả để tra cứu thông tin, tìm các dạng đề phục vụ cho bài học. Theo thầy giáo Lê Văn Lực, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cuối năm học 2019-2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động giáo dục ở trường không bị ảnh hưởng lớn bởi các em cài đặt phần mềm Viettel Study trên điện thoại nên có thể làm bài kiểm tra đánh giá năng lực.
Trường đã xây dựng nội quy, sẽ áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc là hạ hạnh kiểm nếu học sinh vi phạm quy định về sử dụng điện thoại. Để khai thác tối đa tiện ích của mạng Internet, tới đây Trường THPT Ngô Sĩ Liên sẽ xây dựng mô hình giáo dục mở. Trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại (điện thoại, tivi thông minh), thầy cô có thể tương tác kết nối toàn cầu khi tổ chức giảng dạy về một số nội dung bài học như: Tìm hiểu về đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội, văn hoá của một quốc gia trên thế giới.
Đồng tình với quy định mới, tuy vậy vẫn có giáo viên, phụ huynh lo lắng khó quản lý học sinh trong lớp nếu các em cố tình sử dụng điện thoại với mục đích cá nhân. Mặt khác, trên môi trường mạng có nhiều thông tin xấu, độc chưa thể kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho giới trẻ.
Để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong trường học, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới để nâng chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng các trường cần bám sát nội dung của Thông tư để xây dựng nội quy, quy chế. Nội quy cần cụ thể, rõ ràng, chỉ ra những việc được làm và những điều nghiêm cấm trong nhà trường; thông báo các mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại sai mục đích.
Cùng đó yêu cầu về vai trò của giáo viên sẽ cao hơn trước. Thầy cô và học sinh cần hiểu đúng Thông tư không cấm không có nghĩa là được tùy ý dùng điện thoại mà các em chỉ sử dụng phục vụ cho việc học khi giáo viên yêu cầu. Các nhà trường tăng cường vai trò giám sát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định mới của Thông tư.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)