Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng chương trình hành động cụ thể, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Tại điểm cầu Bắc Giang, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Từ Minh Hải; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn; Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Lâm; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, những tháng đầu năm người dân cả nước gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng GDP cả nước đạt thấp. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp ưu tiên và quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương phải tìm ra nguyên nhân chủ quan, không phải đổ cho khách quan để từ đó có tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về sử dụng vốn đầu tư nhà nước trong phát triển ngành, địa phương mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do bệnh quan liêu, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực chỉ đạo, làm tốt công tác giải ngân vốn. ngay sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết được “3 đọng” trong quản lý vốn đầu tư công đó là không được để đọng vốn (có tiền mà không tiêu được), đọng nợ (công trình thi công xong không quyết toán), đọng hồ sơ thủ tục của các công trình, dự án.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2020 tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội thông qua khoảng 471 nghìn tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan T.Ư chiếm 22,9%, vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% trong tổng số vốn.
6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư công giải ngân toàn quốc gần 160 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 34% kế hoạch. Mặc dù số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm trước song tỷ lệ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu. Toàn quốc có 3 bộ, cơ quan T.Ư và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan T.Ư và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 7 bộ, cơ quan T.Ư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.
Tại tỉnh Bắc Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tính đến tháng 6 là 7,5 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải ngân hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, đó là công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu nhiều dự án chậm. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, ngành, địa phương mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán.
Ngoài ra, dịch Covid -19 xảy ra làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định. Nhiều dự án phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng giải ngân nguồn vốn....
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sớm có văn bản hướng dẫn sử dụng số kinh phí ngân sách T.Ư của các đối tượng xã, thôn hoàn thành Chương trình 135 năm 2019 không còn thuộc đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ kinh phí của Chương trình 135 từ năm 2020 để tỉnh có căn cứ thực hiện...
Chính phủ sớm ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 để các địa phương chủ động triển khai lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025….
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý vốn, tập trung cao để giải ngân bảo đảm tiến độ. Chính phủ sẽ xem xét quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp tỉnh và các bộ, ngành không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, coi đây là căn cứ để đánh giá xếp loại đối với các đơn vị trong năm nay.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy nhanh hoạt động giải ngân nguồn vốn này. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP xây dựng, ban hành chương trình hành động cụ thể để giải ngân vốn, thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện. Địa phương nào trì trệ trong giải ngân vốn, kết quả đạt thấp, Chính phủ kiểm điểm, phê bình.
Các tỉnh, TP cần tập trung cao tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án để tạo mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công. Đồng thời công khai, minh bạch, biểu dương các đơn vị giải ngân vốn đạt kết quả cao; kiên quyết xử lý cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng “ngâm hồ sơ” các dự án để chậm giải ngân vốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ nay đến đầu tháng 8, Bộ KH&ĐT tập trung đôn đốc các tỉnh, TP đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tham mưu cho Chính phủ điều chuyển vốn đối với các địa phương đạt thấp. Các bộ, ngành liên quan khác tạo mọi điều kiện cho các tỉnh, TP giải quyết nhanh các thủ tục cho từng dự án để khởi công đúng kế hoạch.
![]() |
Sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi kết thúc hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu các sở, ngành, các huyện, TP khẩn trương tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng các công trình, dự án có sử dụng vốn đầu tư công để giải ngân vốn. Chủ tịch UBND các huyện, TP tổ chức đối thoại với người dân để tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng chí nhấn mạnh, từ nay đến hết tháng 8/2020, toàn tỉnh tổ chức khởi công 16 dự án đầu tư do tỉnh quản lý; giải ngân xong toàn bộ số vốn chuyển nguồn từ năm trước. Hết tháng 9/2020, các sở, ngành, huyện, TP giải ngân ít nhất 60% tổng số vốn đầu tư công được phân bổ và hoàn thành 100% trong năm nay.
Các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch giải ngân vốn theo từng tuần; định kỳ mỗi tháng báo cáo 2 lần (vào giữa và cuối tháng) về những khó khăn vướng mắc gửi về Sở KH&ĐT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Địa phương nào chậm giải ngân vốn, UBND tỉnh kiểm điểm, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Dự án nào chậm triển khai, huyện, TP nào chậm giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh xem xét điều chuyển vốn theo đúng quy định.
Các Sở: Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Sở KH&ĐT rà soát, phân bổ xong nguồn vốn đầu tư công còn lại trong tháng 7 năm nay, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân vốn…
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)