Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang. |
Năm 2020, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, bà con nông dân đã tạo đồng thuận của cả xã hội thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành vừa phòng, chống tốt dịch bệnh. Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả nổi bật. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%. Tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 62%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 41,2 tỷ USD.
Tham luận tại điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đồng tình với những kết quả của ngành nông nghiệp cả nước đã đạt được. Đồng chí cho rằng, năm 2020 là năm ngành nông nghiệp vượt khó đi lên, cũng là năm giành nhiều thắng lợi. Nông nghiệp Bắc Giang tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Có được kết quả này là do Bắc Giang đã kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là không tái phát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trong công tác tái đàn lợn và phát triển chăn nuôi, tỉnh chỉ đạo tái đàn an toàn, khoa học, hiện tại đàn lợn của tỉnh đạt hơn 1 triệu con.
![]() |
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. |
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Bắc Giang là vùng cây ăn quả lớn, đa dạng cho trái quanh năm được chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, vụ vải thiều năm nay dù lúc thu hoạch rơi vào đỉnh điểm xảy ra dịch Covid-19 song tỉnh đã sáng tạo trong công tác xúc tiến tiêu thụ, toàn bộ sản phẩm tiêu thụ thuận lợi. Riêng vụ vải thiều, bà con thu về hơn 6,8 nghìn tỷ đồng, qua đó có nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ, ngành T.Ư đã giúp đỡ, hỗ trợ để Bắc Giang đạt được những kết quả như trên. Đồng chí cho biết, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phòng, chống DTLCP. Xây dựng kịch bản chi tiết trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, hướng tới chế biến sâu và tiếp cận thị trường mới để tăng giá trị nông sản.
Tại hội nghị một số đại biểu đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; hỗ trợ kinh phí cải tạo nâng cấp một số công trình thủy lợi xuống cấp.
Năm 2021, cục diện kinh tế thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh và khó lường; toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng nhưng sẽ có những điều chỉnh theo các tâm trục và lĩnh vực khác nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, tạo ra những thành tựu mang tính đột phá và có ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, giai đoạn 2021 - 2025, toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.
![]() |
Bắc Giang tái đàn lợn an toàn, hiện tổng đàn đạt hơn 1 triệu con. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp. Những thành tựu trên tiếp tục khẳng định nông nghiệp là bệ đỡ, là cứu cánh của nền kinh tế quốc gia. Nông nghiệp đã thích ứng tốt với đại dịch, với thiên tai, sản xuất duy trì phát triển, bảo đảm cung ứng tiêu dùng và để xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình phát triển, ngành nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế; liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Dự báo cung cầu nông sản vẫn là khâu yếu. Tình trạng phá rừng tự nhiên vẫn diễn ra.
Thủ tướng yêu cầu, ngành nông nghiệp khắc phục những hạn chế, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2021 như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,8 - 3,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hơn 42 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới hơn 70%.
Thủ tướng lưu ý, ngay từ giờ cần quan tâm Tết này, người dân cả nước ăn gì? nhưng không được để người dân ăn thịt lợn giá cao. Đặc biệt, không được để người dân chặt cây, hoa rừng trưng Tết, đó là hành vi vi phạm pháp luật cần ngăn chặn triệt để.
Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Tìm thị trường, ổn định đầu ra nông sản, chú trọng hơn nữa thị trường trong nước, đưa hàng hóa nông thôn vào thành thị.
Tham mưu xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách đầu vào, đầu ra sản xuất nông nghiệp. Vấn đề an toàn thực phẩm, thương hiệu nông sản càng phải được quan tâm. Theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết thiên tai để hạn chế thiệt hại; huy động sẵn sàng ứng phó kịp thời. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả nguồn vốn, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; chủ động hội nhập quốc tế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp các kiến nghị của các đại biểu, sớm tham mưu giải quyết nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ý kiến bạn đọc (0)