Thêm cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ, các Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Sở LĐTBXH tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay vốn ưu đãi này tới các địa phương. Cùng đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Bắc Giang triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động cho vay.
![]() |
Nhờ vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hộ dân thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) phát triển nghề sản xuất mỳ gạo truyền thống. |
Tại các địa bàn khó khăn, nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Trần Văn Bảo (SN 1981) ở thôn Tam Hiệp, xã An Lập (Sơn Động) được bố mẹ cho gần 1 ha vườn đồi vào năm 2012 khi vừa lập gia đình, hai vợ chồng chịu khó chăm sóc diện tích vải thiều và trồng sắn nhưng đất cằn cỗi, không có vốn cải tạo, thiếu kinh nghiệm chăm bón nên lợi nhuận ngày càng thấp.
Quyết tâm vượt khó, năm 2015, được hỗ trợ 80 gốc bưởi đỏ Tân Lạc từ dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của huyện, anh Bảo mạnh dạn làm thủ tục vay 50 triệu đồng từ Quỹ để cải tạo đất, đào hố, xây dựng hệ thống tưới nước và phân bón phù hợp.
Năm 2018, với hơn 800 cây bưởi, cam lòng vàng, chăn nuôi thêm 500 con gà, lợn, anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đến nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Bảo mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 5 lao động địa phương.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH), ngày 23/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61, nâng mức vay ưu đãi với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động; lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%/năm) thay vì trước đây là bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo (6,6%/năm), tăng cơ hội tiếp cận và giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân các địa phương. |
Còn với gia đình chị Thân Thị Ái Vân (SN 1976), thôn Thiết Nham, xã Minh Đức (Việt Yên), nguồn vốn từ Quỹ đã giúp gia đình chị có sinh kế bền vững, thu nhập ổn định.
Chăn nuôi thỏ từ nhiều năm nhưng thiếu vốn, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên mô hình không phát huy hiệu quả. Năm 2018, với số tiền 50 triệu đồng vay từ Quỹ, cộng thêm gần 100 triệu đồng tích cóp được và vay mượn anh em họ hàng, chị Vân mạnh dạn cải tạo chuồng nuôi thỏ.
Để ổn định đầu ra, hỗ trợ nhau về kiến thức chăm sóc, phòng bệnh, 20 hộ dân trong thôn chăn nuôi thỏ cùng tham gia hợp tác xã. Năm 2021, từ nguồn Quỹ, hợp tác xã cũng được vay 200 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. “Từ 200 con thỏ ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã có hơn 2,5 nghìn con thỏ thương phẩm, hơn 300 con thỏ giống.
Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, thu lãi gần 300 triệu đồng, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học”, chị Vân nói.
Nâng mức cho vay, bảo đảm chất lượng thẩm định
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, doanh số cho vay giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 147 tỷ đồng với hơn 4 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 6,6 nghìn người. Ngoài ra, còn có gần 460 người được vay gần 38,8 tỷ đồng từ Quỹ để đi làm việc ở nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Quỹ giải ngân gần 13 tỷ đồng cho 228 dự án phát triển sản xuất.
Hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi từ Quỹ đã được khẳng định song thực tế hiện nay, đối tượng vay vốn tập trung vào nhóm hộ gia đình, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nên hiệu quả tạo việc làm mới còn hạn chế. Nguyên nhân là do nguồn vốn T.Ư phân bổ vào Quỹ khá khiêm tốn (68,9 tỷ đồng năm 2015), số cho vay hiện nay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm. Trong tổng số 16 chương trình cho vay vốn hiện nay thì dư nợ của nguồn quỹ này chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của ngân hàng, chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người dân, cơ sở sản xuất.
HTX mỳ Chũ Nam Thể, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) thành lập từ năm 2007, hiện đã thu hút hơn 60 thành viên là các hộ làm mỳ gạo truyền thống tham gia, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Dù có nhu cầu lớn về vốn nhằm cải tiến máy móc, nâng sản lượng, chất lượng và đầu tư cho quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định nhưng đến nay, HTX mới chỉ được vay vốn hai lần (năm 2009 và năm 2021) với hơn 600 triệu đồng. Chúng tôi mong rằng Quỹ sẽ được T.Ư, tỉnh, huyện bổ sung hằng năm để tăng mức cho vay, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, tạo động lực phát triển làng nghề”.
Theo ông Dương Quốc Dũng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn, trong 9 tháng năm 2021, tổng dư nợ của Quỹ là 26,7 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,5% dư nợ của ngân hàng. Trong khi địa phương gặp khó khăn với việc bổ sung vào nguồn quỹ này thì nguồn T.Ư phân bổ về hầu như không có. Vì vậy, nhiều hộ dân có nhu cầu vay vốn ưu đãi nhưng Quỹ mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ.
Để phát huy tối đa hiệu quả cho vay trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát tốt dư nợ thông qua việc triển khai chặt chẽ các khâu, nhất là khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Dựa trên kế hoạch đã xây dựng, đơn vị cử cán bộ xuống cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác để khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã và lập danh sách báo cáo để phân bổ.
Trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, đơn vị quán triệt với cán bộ phụ trách phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thẩm định chặt chẽ theo đúng quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Cùng đó, tiếp tục đề xuất Chính phủ cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hằng năm; cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, bố trí thêm nguồn lực để cho vay giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống, thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)