Thầy giáo Nguyễn Huy Chinh tâm huyết làm việc thiện
Nhà của thầy Chinh ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có nhiều chậu hoa, cây cảnh. Quanh nhà có nhiều đồ vật, hình ảnh, tranh thể hiện triết lý về đạo Phật.
![]() |
Thầy giáo Nguyễn Huy Chinh. |
Thầy Chinh cho biết: "Với quan điểm “Cho đi là còn mãi”, nhận thấy bản thân tuy chưa có nhiều điều kiện nhưng trong cuộc sống vẫn còn nhiều người kém may mắn hơn mình, yếu thế hơn mình. Tôi hay xúc động và cảm thương trước những hoàn cảnh khó khăn đó. Nên khi thấy những hoàn cảnh như vậy, giúp được ai cái gì, giúp được ai lúc nào trong khả năng có thể là tôi sẵn sàng. Sau mỗi chuyến đi, mỗi việc làm từ thiện, tôi nhận thấy mọi người xích lại gần nhau hơn, từ xa lạ trở thành thân quen, tình yêu thương lan tỏa".
![]() |
Thầy Chinh trao quà cho bà con xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. |
Theo thầy Chinh, làm từ thiện không giống như công việc khác, có thể có kế hoạch, có thể bất chợt. Giúp đỡ cũng không nhất thiết cứ phải là vật chất, tiền của, nhiều khi chỉ cần sự động viên an ủi, chia sẻ, tư vấn trò chuyện…cũng đã là góp sức rồi.
Thầy Chinh thường có kế hoạch cụ thể, dài hơi vào những dịp như Ngày thương binh liệt sĩ (27/7) tri ân các gia đình có công với cách mạng, thương binh liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng trong xã, trong huyện.
Cuối năm học và dịp khai giảng thì có món quà động viên học sinh nghèo vượt khó, học sinh hiếu học, sinh viên nghèo. Dịp hè và cuối năm, Tết Nguyên đán giúp đỡ đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các gia đình khó khăn, các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.
Ở những nơi xa, thầy Chinh thường đi vào ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật, đặc biệt là dịp nghỉ hè. Những địa phương thầy đã đặt chân đến làm từ thiện như: Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu và các tỉnh miền Trung mỗi khi xảy ra bão lũ.
Còn ở gần thì thầy thường tranh thủ lúc hết giờ làm việc. “Nhiều khi bận bịu công việc của nhà trường hay gia đình, không thể đến trực tiếp giúp đỡ, tôi lại thông qua các mối quan hệ anh em, bạn bè, các câu lạc bộ, các hội nhóm từ thiện, nhà chùa, các tổ chức đoàn thể - xã hội để cùng chung tay đóng góp giúp đỡ và chia sẻ. Cũng có thể ủng hộ từ xa bằng nhiều hình thức như chuyển khoản hay gửi qua đường bưu điện”- thầy Chinh cho biết.
![]() |
Tài xế ô tô nhận túi cứu thương do thầy Chinh trao tặng. |
Trong quá trình làm thiện nguyện, việc vận động các nhà hảo tâm, khai thác nguồn tài trợ chưa bao giờ là dễ dàng. Để tạo dựng niềm tin và thu hút sự chú ý của cộng đồng về chương trình vận động từ thiện, thầy Chinh cho rằng trước tiên phải là của bản thân mình bỏ ra giúp đỡ đã. “Mình làm trước, mình bỏ công sức và tiền của giúp đỡ rồi mọi người sẽ thấy và ủng hộ thôi”. Muốn có sự tin tưởng thì cái quan trọng là sự công khai, minh bạch những sự giúp đỡ của mọi người, làm sao những món quà thiện nguyện, nghĩa tình đến được tận tay những người cần giúp đỡ. Thầy tâm sự: “Mình làm bằng cái tâm trong sáng không tính toán, vụ lợi thì lo gì, các cụ xưa có câu “Hữu xạ tự nhiên hương” mà”.
Trân trọng tất cả những tình cảm và sự trợ duyên của mọi người, tiền của dù ít hay nhiều, có hay không đều phải trân quý. Mọi người ủng hộ dù vật chất hay tinh thần cũng là tốt lắm rồi. Sau mỗi chuyến đi về, thầy Chinh đều có báo cáo và minh chứng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch với mọi người không có điều kiện đi đến tận nơi.
Ngoài ra, thầy còn có chương trình tặng túi cứu thương cho những tài xế ô tô chở miễn phí cho bệnh nhân nghèo để trên đường đi có gặp những người bị tai nạn có thể sơ cứu. Đến nay thầy đã tặng 3 túi cho tài xế.
Khi tôi hỏi thầy có nhớ bản thân đã đi được bao nhiêu chuyến từ thiện, ủng hộ được bao nhiêu tiền, hàng hóa? Thầy cho biết không thể nhớ hết, chỉ biết là mình đã làm từ thiện từ khi bắt đầu theo nghề dạy học; cũng phải gần 30 năm rồi.
Bằng những trải nghiệm thực tế sau mỗi chuyến từ thiện, thầy Chinh thường kể cho học sinh và giáo viên của trường những điều mắt thấy tai nghe.
![]() |
Thầy Chinh và đoàn thiện nguyện ở Bắc Giang với người dân xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. |
“Thông qua giờ chào cờ, giờ học, sinh hoạt ngoại khóa, tôi thường kể cho học sinh của mình về cuộc sống khó khăn ở những nơi tôi đã đến. Họ sống ra sao trong điều kiện như vậy, các em học sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa học tập thế nào khi miếng cơm manh áo còn là nỗi lo thường trực trong cuộc sống. Và đặc biệt tôi cho học sinh của tôi thấy chúng ta có cuộc sống đầy đủ như vậy thì phải biết học tập và sống ra sao? Hãy để học sinh tự làm một phép so sánh”.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)