Thay đổi thói quen
Tuy nhiên, khi đã uống mà điều khiển phương tiện giao thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ, gián tiếp hoặc trực tiếp gây tai nạn cho bản thân và cộng đồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được và đang dần được loại bỏ triệt để.
Thay đổi một thói quen lâu ngày và từng được số đông thừa nhận là rất khó, nhưng để hình thành thói quen mới, trong trường hợp này là “đã uống rượu bia thì không lái xe” còn khó hơn nhiều. Tất nhiên, nói “không” với uống rượu, bia khi lái xe không còn là thông điệp mang tính khuyến cáo, cảnh báo mà đã được quy định rất rõ ràng, là mệnh lệnh và nếu vi phạm sẽ có mức xử phạt không hề nhẹ nhàng.
Theo quy định hiện hành, chỉ cần phát hiện cồn trong cơ thể là tài xế đã bị phạt. Mức phạt tối thiểu dành cho người có nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu hoặc dưới 0,25 mg/1 lít khí thở bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng đối với điều khiển xe máy; phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng với người điều khiển xe ô tô… Trường hợp vi phạm nặng, mức phạt kịch khung lên đến 40 triệu đồng, tước bằng lái xe 24 tháng theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt để bảo đảm an toàn giao thông, trong đó kiểm tra gắt gao tài xế điều khiển phương tiện trong hơi thở có nồng độ cồn. Từ các con phố của thành phố Bắc Giang cho tới những tuyến đường huyện thường xuyên có những “chiến sĩ áo vàng” kiểm tra ý thức chấp hành quy định của người điều khiển phương tiện giao thông, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông, hình thành ý thức, thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe” của mọi người.
Thông tin từ cơ quan chức năng, 2 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó nhờ nỗ lực của cảnh sát giao thông cũng như thói quen uống rượu, bia khi lái xe đã từng bước thay đổi. Đáng chú ý, từ ngày 15/12/2022 đến nay, toàn tỉnh xử lý gần 2 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ tất cả phương tiện vi phạm, tước 1.244 giấy phép lái xe, số tiền xử phạt hơn 10,3 tỷ đồng.
Câu cửa miệng “xin lỗi, tôi còn lái xe” đã trở nên phổ biến trong mỗi cuộc vui khi được mời rượu và cũng không còn vấp phải sự phản đối hay khích bác của “bạn rượu” như trước đây. Rõ ràng, thay đổi thói quen, hành vi là không hề dễ dàng nhưng tinh thần thượng tôn pháp luật là trên hết, phải được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó sẽ hình thành thói quen mới, nét văn hóa “nói không với rượu, bia” khi tham gia giao thông, an toàn cho mình và mọi người.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định đã rất nghiêm khắc nhưng muốn nhanh chóng thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông thì lực lượng chức năng cũng phải kiểm tra, giám sát và xử lý một cách thường xuyên, quyết liệt, “không có ngoại lệ”. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức và hãy nói “không” với rượu, bia nếu được mời khi tham gia giao thông.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)