Thành công nhờ ứng dụng công nghệ mới
Nuôi cá tự động
Đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình ông Trần Đình Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về ứng dụng công nghệ chăm sóc cá tại đây. Ông Hoàn năm nay gần 60 tuổi, có thâm niên gần 15 năm nuôi cá.
![]() |
Ông Trần Đình Hoàn (trái) giới thiệu về công nghệ tự động chăm sóc cá. |
Không ít lần thành bại với con cá nên ông Hoàn luôn suy nghĩ làm thế nào để giảm công chăm sóc, thu lợi nhuận cao. Vốn có kinh nghiệm về cơ khí, điện, ông mày mò lắp đặt thêm một số hạng mục để tăng hiệu quả nuôi như: Quạt khí, máy nén khí. Tuy nhiên để vận hành những phương tiện này đòi hỏi ông vẫn phải có mặt ở khu chăn nuôi.
Năm 2018, ông dành thời gian học hỏi, tìm hiểu về tự động hóa trong nuôi thủy sản và lựa chọn được công nghệ phù hợp. Toàn bộ quá trình như: Cho cá ăn, sục khí, dẫn khí đều được vận hành thông qua điện thoại thông minh. Khi quan sát trang trại qua hệ thống camera giám sát từ xa, nếu thấy cá có biểu hiện khác hay trời nắng nóng bất thường có thể vận hành máy sục khí bổ sung ô xy bằng điện thoại.
Từ khi áp dụng công nghệ mới không chỉ giảm công chăm sóc cá mà còn giúp vợ chồng ông tranh thủ làm thêm nhiều việc khác và kinh doanh tại nhà. Với 2 ha mặt nước, ông Hoàn làm 2 ao nuôi cá giống, 3 ao cá thương phẩm gồm chép, trắm, rô phi đơn tính. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, có hệ thống hiện đại hỗ trợ, đàn cá sinh sôi, lớn nhanh. Bình quân mỗi năm ông Hoàn thu hai lứa cá (khoảng 13 tấn/lứa), trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.
Dưa lưới cho quả ngọt
Lâu nay, người dân thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) vẫn quen với cấy lúa, trồng màu. Khi gia đình ông Nguyễn Văn Bội thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhiều người rất ngạc nhiên.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Bội thu hoạch dưa. |
Vốn chuyên sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng, tạo việc làm cho nhiều lao động, khi Nhà nước có chủ trương xóa bỏ, ông Bội nghiêm túc chấp hành. Tận dụng mặt bằng rộng sẵn có, ông nhờ cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn làm nhà màng trồng dưa lưới. Dưa được trồng trên giá thể hữu cơ, nhà có dạng vòm, khác biệt so với mô hình khác.
Ông Bội chia sẻ: "Nhà màng là yếu tố quyết định hiệu quả sản xuất dưa lưới vì hạn chế được tác động tiêu cực của thời tiết. Do vậy, tôi thiết kế nhà dạng vòm giúp công trình chắc chắn và cũng có tính thẩm mỹ hơn. Trong nhà màng có hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại; camera giám sát từ xa". Để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ông thường xuyên thuê 4 lao động và một kỹ sư hằng ngày chăm sóc.
Với sự đầu tư, chăm sóc công phu, ông Bội thành công ngay từ vụ dưa đầu. Sau hơn hai tháng trồng, cây nào cũng cho quả nặng từ 1-1,2 kg, sản phẩm được Công ty cổ phần Nông nghiệp Hải Ninh (Hà Nội) kiểm định chất lượng, thu mua tại nhà với giá 43 nghìn đồng/kg. Với gần 7 tấn dưa, ông Bội có khoản thu hơn 200 triệu đồng. Hiện, ông Bội đang lắp thêm hai nhà màng để mở rộng diện tích, đưa một số cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất trong vụ xuân này.
Nuôi gà trong phòng điều hòa
Công nghệ nuôi, nhân giống gà tại Trung tâm Gà giống gốc Dabaco Yên Thế, xã Tam Tiến (Yên Thế) được Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá là hiện đại nhất hiện nay.
![]() |
Khu chăn nuôi gà ông, bà tại Trung tâm Gà giống gốc Dabaco Yên Thế. |
Được xây dựng trên diện tích gần 5 ha, trung tâm gồm các hạng mục như: Hệ thống 7 dãy nhà nuôi khép kín có công suất nuôi khoảng 60 nghìn con gà giống gốc; khu ấp nở; nhà điều hành; kho chứa thức ăn, dụng cụ; trạm xử lý nước sạch, trạm biến áp; hệ thống xử lý môi trường... Tham quan mô hình, chúng tôi phải qua nhiều “ải” vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Bước vào khu nuôi gà ông, bà ai cũng thấy ấm hẳn dù ngoài trời buốt giá; không có mùi hôi như một số trang trại chăn nuôi thông thường. Nguyên nhân do trong khu chăn nuôi, đơn vị lắp hệ thống điều hòa duy trì nhiệt độ tốt nhất cho gà sinh trưởng ở khoảng 25-26 độ C. Cùng đó, trộn men vi sinh vào thức ăn, xử lý chất thải nghiêm ngặt nên phòng nuôi được khử mùi sạch sẽ. Cạnh các khoang nuôi có máng ăn, nước uống tự động. Dây chuyền vận chuyển trứng cũng được lắp đặt tự động.
![]() |
Dây chuyền vận chuyển trứng gà tự động tại Trung tâm Gà giống gốc Dabaco (Yên Thế). |
Kỹ sư Nguyễn Khánh Dư, Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm cho biết, toàn bộ hệ thống lồng chuồng, trang thiết bị chăn nuôi, ấp nở của Trung tâm đều nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, kết nối với hệ thống máy tính điều khiển trung tâm và được vận hành theo phần mềm đã cài đặt sẵn. Các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, thông thoáng, ánh sáng… được kiểm soát chặt chẽ.
Mỗi năm, Trung tâm sản xuất khoảng 5 triệu con gà giống bố mẹ, chủ yếu cung cấp cho các trại giống của Tập đoàn Dabaco và các trang trại làm giống trên phạm vi cả nước. Trung tâm cũng là cơ sở nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen, giống gà quý hiếm, tạo ra nguồn giống chất lượng cao phục vụ cho tỉnh Bắc Giang và ngành chăn nuôi cả nước.
Dược liệu quý ở rìa làng
Đến xã Dương Đức (Lạng Giang), vừa hỏi tên Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO, chúng tôi được người dân nhiệt tình chỉ đường vào thôn Đông Giang. Có kiến thức chuyên sâu được trang bị từ Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên nhưng năm 2015, anh Lương Văn Tú (SN 1979) - Giám đốc Công ty mới chính thức bắt tay vào trồng nấm quy mô lớn. Ban đầu là các loại nấm ăn như: Nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ… đến năm 2018, anh mở rộng sang sản xuất nấm dược liệu.
![]() |
Giám đốc Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO Lương Văn Tú kiểm tra sản phẩm đông trùng hạ thảo. |
Hiện Công ty đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 1.200 m2 nhà xưởng, chia ba khu vực chính: Sản xuất, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Mỗi năm, sản lượng dao động 50-70 tấn sản phẩm, riêng đông trùng hạ thảo thu hoạch khoảng 100 kg khô, tổng doanh thu 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và nhiều lao động thời vụ.
Điểm đặc biệt ở Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO là áp dụng kỹ thuật cấy trực tiếp giống nấm trên tằm, nhộng tằm, sâu chít… tạo ra sản phẩm có giá trị cao về dưỡng chất và dược tính. Với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, nấm đông trùng hạ thảo của Công ty đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Các sản phẩm mang thương hiệu ADENCO vinh dự được đại diện cho tỉnh tham dự nhiều hội chợ, sự kiện thương mại ở trong nước và quốc tế, từng bước biến ước mơ trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh.
Trịnh Lan - Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)