Tập trung cao quy hoạch điện quốc gia; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ dự tại điểm cầu trung tâm. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và một số doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, năm 2021 trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại và đầu tư của thế giới, đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ngành Công Thương và các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật.
Sản xuất công nghiệp duy trì, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng, giá trị tăng 4,82%; hoạt động xuất khẩu hàng hóa có sự bứt phá, đạt mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 336,2 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước.
Hàng hóa tiêu dùng trong nước bảo đảm được cân đối cung cầu, cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch. Thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, an toàn.
Tại tỉnh Bắc Giang, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song năm 2021, các chỉ tiêu quan trọng của ngành Công Thương đều tăng trưởng, trong đó có những chỉ tiêu tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2020; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 31 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm trước.
Năm 2022, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7-8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,8% so với năm 2021.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị cho rằng bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương vẫn còn một số hạn chế. Việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hội nhập quốc tế về kinh tế mới chỉ tập trung vào chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu. Công tác xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường, phòng vệ thương mại còn chưa kịp thời trong một số thời điểm; việc ứng phó với các vấn đề mới, các thay đổi từ bên ngoài đôi lúc còn bị động, chưa linh hoạt…
![]() |
Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Công Thương thời gian tới tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời tái lập lại việc xúc tiến thương mại đối với một số ngành hàng truyền thống; phối hợp với các bộ, ngành chức năng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu; sớm có quy định cụ thể hơn về sử dụng điện năng lượng mặt trời...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành khẳng định: Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân song ngành Công Thương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được thành tích nổi bật. Đồng chí biểu dương và chúc mừng kết quả ngành Công Thương đạt được trong năm qua.
Năm 2022, bối cảnh khu vực và thế giới có những chuyển biến lớn, nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Dịch Covid - 19 xuất hiện biến chủng mới, có thể kéo dài, nên cần nhiều thời gian phục hồi nền kinh tế.
Do đó, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, ngành Công Thương cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tập trung cao quy hoạch điện quốc gia, bảo đảm phân bổ nguồn điện phù hợp, hạn chế tổn thất, lãng phí; xây dựng phương án phát triển năng lượng tái tạo, tránh để thiếu điện; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2022, ngành Công Thương cần hoàn thiện khung chính sách phát triển công nghiệp đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chủ động tham mưu tổng kết việc thực hiện các mục tiêu về CNH, HĐH; đánh giá ưu điểm, hạn chế trong mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại…
Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển ngành Công Thương Việt Nam” cho 5 cá nhân có nhiều đóng góp trong phát triển ngành Công Thương.
Tin, ảnh: Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)