Tập trung cao giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chủ trì; cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh dự.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2020, tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội thông qua gần 471 nghìn tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan T.Ư chiếm 22,9%, vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1% trong tổng số vốn.
Đến nay, toàn quốc có 5 bộ, cơ quan T.Ư và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%; 29 bộ, cơ quan T.Ư và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35%.
Ước đến ngày 31/8, vốn đầu tư công giải ngân toàn quốc gần 222 nghìn tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Trong đó vốn ngân sách T.Ư giải ngân đạt 37,8% kế hoạch, vốn ngân sách địa phương đạt 55,1%.
Tại tỉnh Bắc Giang, nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp trong chỉ đạo nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực so với những tháng trước. Đến ngày 15/8, toàn tỉnh giải ngân 3.162 tỷ đồng, đạt 42,4% so với kế hoạch vốn cả năm.
Thảo luận tại hội nghị, ý kiến các đại biểu cho rằng đến nay kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc vẫn đạt thấp nguyên nhân chính là do nhiều địa phương còn chậm giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 cho các dự án. Công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu nhiều dự án kéo dài.
Nhiều dự án phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn.
Công tác chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa kỹ, phát sinh vướng mắc. Ngoài ra, chủ đầu tư ở nhiều nơi chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để có khối lượng giải ngân.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép các tỉnh, TP giải ngân vốn đầu tư công chuyển từ năm 2019 sang năm nay kéo dài thời gian giải ngân đến tháng 12 thay vì tháng 8 như quy định trước đây. Đối với các phần vốn chưa phân bổ chi tiết cho dự án cụ thể cần điều chuyển cho dự án khác để kịp giải ngân trong năm nay.
Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ....
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là việc tháo “nút thắt” về giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công.
Đồng chí nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại và coi việc giải ngân nguồn vốn này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chính phủ sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp tỉnh và các bộ, ngành không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công và có chế tài xử lý nghiêm.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án lớn, đặc biệt là những dự án sử dụng vốn ODA. Thực hiện đồng bộ quyết liệt các giải pháp giải ngân, kịp thời bảo đảm theo khối lượng, chất lượng của công trình; kiên quyết xử lý cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ các dự án để chậm giải ngân vốn.
Bộ KH&ĐT khẩn trương kiểm tra, giao chi tiết xong vốn đầu tư công năm 2020, không để tồn đọng, bố trí kịp thời vốn đối ứng của các dự án ODA.
Đồng thời hằng tháng rà soát, công khai số vốn giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, tham mưu Chính phủ biểu dương nơi làm tốt và phê bình đơn vị có kết quả giải ngân không đạt theo lộ trình, từ đó có biện pháp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.
Đối với các công trình đã hoàn thành, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện ngay thủ tục hồ sơ quyết toán, không để tồn đọng vào cuối năm, không kịp giải ngân vốn.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)