Tăng học phí, mở rộng đối tượng được hỗ trợ
Thực hiện theo lộ trình và mức tăng phù hợp
Thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 quy định mức thu học phí từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Học sinh Trường THPT Yên Dũng số 2 trong giờ thực hành môn Vật lý. |
Từ năm học này, mức thu học phí ở các bậc mầm non, THCS, THPT tăng và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, đặc biệt tăng cao nhất ở khu vực thành thị.
Mức thu học phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng (có vùng tăng từ 2-3 lần) so với trước đây theo từng vùng, địa bàn, phù hợp với điều kiện KT-XH nhưng là mức thu thấp nhất theo khung quy định tại Nghị định 81.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, mức thu này được HĐND tỉnh xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Việc điều chỉnh là cần thiết, bởi nhiều năm qua, Nhà nước đã dành ngân sách đầu tư có trọng điểm cho lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, do ngân sách còn hạn hẹp cần có sự chung tay, chia sẻ của người học và các gia đình, bảo đảm điều kiện giảng dạy, học tập tốt hơn.
Mức thu học phí mới: - Vùng thành thị ở bậc MN, THCS, THPT là 300 nghìn đồng/tháng. (Trước đây MN: 180 nghìn đồng; THCS: 85 nghìn đồng; THPT: 90 nghìn đồng/tháng) - Vùng nông thôn: MN (125 nghìn đồng); THCS (100 nghìn đồng); THPT: (200 nghìn đồng). (Trước đây MN: 125 nghìn đồng; THCS: 60 nghìn đồng; THPT: 65 nghìn đồng). - Vùng dân tộc thiểu số và miền núi: MN (90 nghìn đồng); THCS (50 nghìn đồng); THPT: (100 nghìn đồng). (Trước đây MN: 90 nghìn đồng; THCS: 40 nghìn đồng; THPT: 45 nghìn đồng). |
Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai thu học phí. Ngành giáo dục tập trung tuyên truyền để phụ huynh học sinh nắm bắt đầy đủ và thực hiện theo quy định.
Trường THPT Yên Dũng số 2 có hơn 1,5 nghìn học sinh. Các em phải đóng học phí 300 nghìn đồng/tháng và một số ít trường hợp được miễn, giảm.
Ngay từ đầu năm học, trong các nhóm zalo, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo mức học phí và giải thích việc tăng học phí được áp dụng từ năm học trước, khi Nghị định số 81 có hiệu lực.
Song thời điểm đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của đời sống nên tỉnh có chủ trương lùi thời gian điều chỉnh tăng học phí và thực hiện từ năm học 2022-2023.
Được giải thích cặn kẽ, cơ bản phụ huynh đồng thuận, dù còn nhiều khó khăn song vẫn cố gắng đóng góp đầy đủ cho con em yên tâm học tập.
Các trường học trên địa bàn các huyện, TP, nhất là cơ sở giáo dục có đông học sinh thường trú ở phường, thị trấn đều chủ động tuyên truyền công khai các kế hoạch, nhiệm vụ năm học trên bảng tin, fanpage, trang thông tin điện tử; tăng cường trao đổi với cha mẹ học sinh, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
45% học sinh được miễn, giảm học phí
Cùng với việc tăng học phí, theo Nghị định 81, Chính phủ đã mở rộng chính sách miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, học phí cho nhiều đối tượng học sinh. Ngoài những trường hợp đã được miễn, giảm (học sinh khuyết tật, gia đình có công, dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, thuộc hộ nghèo, học sinh trường phổ thông DTNT…), từ năm học này, trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn được miễn học phí.
![]() |
Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn An Châu (Sơn Động). |
Riêng học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập tiếp tục được miễn học phí theo Luật Giáo dục năm 2019. Từ năm học 2024-2025, trẻ em mầm non 5 tuổi sẽ được miễn học phí. Sau đó một năm học, cấp THCS cũng được miễn học phí.
Theo khảo sát từ Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo), toàn tỉnh có hơn 495 nghìn học sinh, trong đó có 45% số em được miễn, giảm và không phải đóng học phí.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 52,3 nghìn trường hợp (học sinh mồ côi cả cha và mẹ, khuyết tật, hộ nghèo, sinh sống ở thôn bản đặc biệt khó khăn, khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn) được hỗ trợ chi phí học tập (sách, vở, đồ dùng học tập, lương thực với mức 150 nghìn đồng/tháng). Số học sinh này chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, gia đình chính sách, hộ nghèo.
Ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động cho biết: Học phí tăng nhưng đối tượng được hỗ trợ mở rộng hơn. Toàn huyện có đến hơn 90% học sinh được miễn, giảm học phí.
Nhiều trường THCS ở các xã Đại Sơn, An Bá, Vân Sơn, An Lạc, Hữu Sản, Phúc Sơn không có học sinh thuộc diện thu học phí. Đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng chỉ còn học sinh bậc THCS ở thị trấn An Châu, xã Long Sơn, Tuấn Đạo và trẻ từ 3-4 tuổi (không thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, khuyết tật, không có nguồn nuôi dưỡng) học mầm non phải đóng học phí ở mức thấp nhất.
Để giảm áp lực tiền trường cho các gia đình, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường giãn thu học phí, không thu vào đầu năm học mà thu theo tháng và kiểm soát chặt chẽ các khoản thu. Đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát đầy đủ những trường hợp được miễn, giảm học phí bảo đảm quyền lợi cho các em được thụ hưởng chính sách.
Về lâu dài, cùng với chính sách tăng học phí, ngành giáo dục cũng đề xuất với UBND tỉnh chủ trương tuyển dụng giáo viên giỏi, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý giáo dục, đổi mới chương trình dạy và học, tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho người học, tăng mức hỗ trợ học bổng cho học sinh giỏi, thường xuyên hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)