Tân Yên: Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Khơi dậy tinh thần quyết tâm
Xác định thế mạnh từng khu vực để lựa chọn mô hình hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thời gian qua, Huyện đoàn Tân Yên đã chỉ đạo các cơ sở đoàn rà soát, lập danh sách thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp. Một số mô hình do thanh niên làm chủ được hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn như: Trồng nấm ở xã Lam Cốt; sản xuất măng hữu cơ lục trúc ở xã Ngọc Châu; bánh quế ở xã Tân Trung; nhà màng, nhà lưới ở xã Phúc Sơn...
![]() |
Anh Dương Quang Lâm chăm sóc vườn măng lục trúc. |
Anh Dương Quang Lâm (SN 1991), đoàn viên thôn Châu Sơn (xã Ngọc Châu) là một trong các thanh niên được hỗ trợ xây dựng mô hình măng lục trúc hữu cơ. Từ sự hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng của tổ chức đoàn các cấp, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 5 nghìn gốc tre trên diện tích 5 ha tại xã Cao Xá. Dù mới trồng được nửa năm nhưng đến nay đầu ra của sản phẩm đã được HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu ký hợp đồng bao tiêu khi được thu hoạch sản phẩm.
Được biết, mỗi gốc tre cho thu từ 12-15 kg/năm đầu tiên, năm thứ hai sẽ cao hơn và cho thu trong vòng 25-30 năm. Thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm. Ngoài ra, các sản phẩm phụ như thân tre, cành tre có thể bán cho cơ sở sản xuất giấy, làm cán chổi, ống hút tre...
Là một trong những mô hình được hỗ trợ về cả công nghệ và vốn, HTX Sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới của anh Nguyễn Văn Đinh (SN 1987) ở thôn Lý Cốt, xã Phúc Sơn những năm qua thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho từ 15-20 lao động địa phương. Trước đây, anh Đinh thâm canh theo cách truyền thống nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2018, trang trại của anh được Huyện đoàn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lựa chọn xây dựng điểm về mô hình thanh niên sản xuất nông sản an toàn.
Ban đầu anh có phần e ngại vì phải có vốn và công phu hơn nhưng khi được cán bộ đoàn xã vận động, tuyên truyền về những lợi ích trong ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp anh đã quyết tâm triển khai trên diện tích hơn 1 ha. Mô hình được Nhà nước hỗ trợ và vay vốn từ nguồn hỗ trợ khởi nghiệp của đoàn thanh niên 1,5 tỷ đồng.
Hiện toàn huyện có 50 tổ tiết kiệm và vay vốn do đoàn thanh niên quản lý với 1,7 nghìn thành viên. Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo đoàn thanh niên các xã rà soát những trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để tổng hợp trình cấp trên; rà soát, kiểm tra đối với 100% các hộ sau khi giải ngân vốn vay để nắm bắt tình hình sử dụng vốn. |
Nông sản gồm nho hạ đen, rau xanh, dưa, hoa và nhiều loại rau củ, quả thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
Với những thành công của mô hình, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra khoảng 70 điểm trên toàn huyện.
Cùng đó còn có hàng chục trường hợp thanh niên được các cấp bộ đoàn huyện Tân Yên quan tâm, hỗ trợ trong chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
Nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đạt hiệu quả cao như: Mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Linh (SN 1996) ở xã Lam Cốt tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 10 thanh niên nông thôn; cơ sở sản xuất bánh quế của đoàn viên Nguyễn Thị Hòa (SN 1990) ở thôn Lục Hạ (xã Tân Trung) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 13 lao động địa phương.
Sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Để giúp các mô hình sản xuất của thanh niên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, Huyện đoàn chỉ đạo đoàn cơ sở thành lập thêm 13 tổ tiết kiệm và vay vốn do đoàn thanh niên quản lý, nâng tổng số lên hơn 50 tổ với 1,7 nghìn thành viên. Với mạng lưới thành viên rộng, bám sát tình hình, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đều được các tổ báo cáo, phối hợp giải quyết kịp thời.
![]() |
Mô hình sản xuất bánh quế tại xã Tân Trung do đoàn viên Nguyễn Thị Hòa ở thôn Lục Hạ làm chủ. |
Thiết thực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế vườn đồi, lâm nghiệp trên địa bàn, ngoài hỗ trợ vốn, Huyện đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình như trong phát triển sản phẩm sâm Nam núi Dành tại các xã Liên Chung, Việt Lập, Huyện đoàn phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển cây sâm Nam núi Dành”, tổ chức tham quan mô hình sản xuất sâm Nam ở xã Song Mai (TP Bắc Giang).
Qua đó giúp thanh niên có thêm kiến thức chăm sóc, khai thác, phát huy những điều kiện thuận lợi, tiềm năng sẵn có của địa phương để lập thân, lập nghiệp. Ngoài ra, tổ chức đoàn ở cơ sở duy trì, thành lập gần 20 câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Biên Thùy, Bí thư Huyện đoàn Tân Yên cho biết: “Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo đoàn thanh niên các xã rà soát những trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để tổng hợp trình cấp trên; rà soát, kiểm tra đối với 100% các hộ sau khi giải ngân vốn vay để nắm bắt tình hình sử dụng vốn.
Hỗ trợ thanh niên phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, Huyện đoàn phối hợp với các phòng chức năng tạo điều kiện để các mô hình tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo trưng bày giới thiệu sản phẩm; xây dựng website quảng bá, đưa sản phẩm OCOP, VietGAP lên các sàn thương mại điện tử”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)