Sửa luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Thái chủ trì buổi thảo luận.
Nhìn chung, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật. Tinh thần chung sửa đổi 8 luật lần này là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Đồng chí Dương Văn Thái chủ trì buổi thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Dương Văn Thái nhấn mạnh, việc ban hành một luật sửa nhiều luật là nội dung mới được Quốc hội đưa vào kỳ họp bất thường lần này là cần thiết, thể hiện sự năng động, đồng hành cùng Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện luật.
Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; huy động tối đa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mỗi địa phương; khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn của một số luật nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Trần Văn Tuấn thảo luận. |
Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Văn Thái, dự thảo luật vẫn chưa đề cập, xem xét đến những nút thắt lớn cần được tháo gỡ ở các địa phương, nhất là thẩm quyền chuyển đổi đất trồng lúa, rừng phòng hộ, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các khu, cụm công nghiệp. Đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề rất lớn mà các địa phương đang mong mỏi và cần đưa được ngay vào kỳ họp lần này nhằm tháo gỡ, huy động nguồn lực trong đầu tư.
Đại biểu đề nghị, trong Luật Đầu tư công, Quốc hội nghiên cứu, xem xét, sửa đổi phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng vốn vay ODA thay vì Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư như hiện nay. Về hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp tại Điều 9 và Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn, quy định phù hợp hơn, có tính thực tiễn hơn.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận về xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam, phía Đông, giai đoạn 2021-2025. |
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện hơn tình hình, kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật; từ đó xác định rõ (theo thứ tự ưu tiên) những nội dung cần tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông, giải phóng các nguồn lực cho phát triển. Trên cơ sở đó có kế hoạch, lộ trình cụ thể về tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về phân cấp, phân quyền, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch…
Về Luật Điện lực, ngoài sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn phạm vi độc quyền của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện, truyền tải điện, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách cụ thể về kiểm soát, quản lý giá điện. Vì đây là vấn đề có tác động sâu rộng tới các mặt của đời sống xã hội, bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, có chính sách đồng bộ hơn không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc sản xuất, lắp ráp, sử dụng xe ô tô điện mà đối với cả việc sản xuất, lắp ráp, sử dụng xe máy, mô tô điện.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà thảo luận. |
Tham gia ý kiến đối với nội dung sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, theo đó sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, nội dung sửa đổi bổ sung này phải bảo đảm được một số yêu cầu: Tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, của nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp và lợi ích của người dân; sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là sự liên thông, kết nối với các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, pháp luật về quy hoạch.
Về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, nhìn chung các đại biểu nhất trí. Đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị nên cân nhắc quy mô giải phóng mặt bằng (GPMB) theo đúng quy hoạch. Nếu GPMB theo đúng quy hoạch dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 6 nghìn tỷ đồng. Cần có cơ chế đặc biệt về đấu thầu dự án; giao trách nhiệm cho người đứng đầu Chính phủ lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp phải bảo đảm năng lực, uy tín. Chỉ định thầu xây lắp cần áp dụng đối với cả gói thầu xây dựng hạ tầng khu dân cư tái định cư.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu ý kiến. |
Đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị cần nghiên cứu thêm việc xác định hướng tuyến phù hợp, hạn chế thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ để hạn chế tác động đến hệ sinh thái, an toàn hồ đập khi chuyển một diện tích lớn rừng phòng hộ, rừng sản xuất để thực hiện dự án, nhất là việc hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia…
Ngày mai (7/1), các ĐBQH thảo luận trực tuyến đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Tin, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)