Sạt lở bờ, bãi sông Lục Nam: Xem xét rút ngắn thời gian cấp phép khai thác cát, sỏi
![]() |
Khắc phục sự cố giờ đầu sạt lở bãi sông Lục Nam, đoạn qua xã Yên Sơn. |
Sau khi Báo đăng, ngày 28/4, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì kiểm tra tình trạng sạt lở bãi, bờ đê sông Lục Nam; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lục Nam xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo.
Thực hiện chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Kết quả xác minh, từ năm 2018 đến nay, bờ sông Lục Nam xảy ra hiện tượng sạt lở với quy mô lớn hơn.
Cụ thể, phía bờ hữu sông Lục Nam có 4 điểm sạt lở gồm: Khu vực thôn Dẫm Đình (cung sạt chiều dài 65 m); thôn Dẫm Chùa (cung sạt dài 50 m) thuộc xã Bắc Lũng; khu vực thôn Trại Cầu (cung sạt dài 30m) thuộc xã Yên Sơn. Tháng 2/2020 các cung sạt tại khu vực Trại Cầu tiếp tục lan rộng (chiều dài 270 m) và xuất hiện cung sạt mới đầu tháng 4/2020 tại K2+850 thôn Cẩm Y thị trấn Đồi Ngô (chiều dài 60 m).
Ngoài ra, bên phía bờ tả sông Lục Nam có các điểm: Khu vực thôn Chàng, thị trấn Đồi Ngô xuất hiện lún, nứt dài khoảng 5 m; khu vực thôn Đầng, xã Huyền Sơn có vết nứt dài khoảng 50 m.
Các cung sạt có chiều hướng ngày càng gia tăng. Khu vực sạt lở đã xuất hiện khe nứt, vết nứt hình thành các cung mới có nguy cơ tiếp tục ăn sâu vào bãi.
Một số cung sạt sâu, vách sạt lớn đã được UBND huyện Lục Nam xử lý giờ đầu bằng biện pháp bạt bớt phần đất đỉnh cung sạt tạo mái và trồng cỏ để tạo độ ổn định mái.
Nhận định chung, vị trí sạt lở bên phía bờ hữu sông Lục Nam đều có cung sạt dài, ăn sâu vào bãi sông. Nếu cung sạt tiếp tục phát triển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê.
Còn khu vực sạt lở phía bờ tả sông Lục Nam không chỉ có cung sạt dài, ăn sâu vào bãi sông mà mặt đê đã bị lún, nứt gây khó khăn cho người tham gia giao thông; ảnh hưởng an toàn đê bối Huyền Sơn và một số hộ dân cư ở gần nơi sạt lở.
Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, sạt lở xảy ra ngoài yếu tố khách quan như: Đất bãi bồi ven sông Lục Nam chủ yếu là đất pha cát có độ kết dính thấp dễ bị xói mòn, rửa trôi thì còn do nguyên nhân chủ quan. Đó là một số tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông chưa chấp hành đúng nội dung của giấy phép (khai thác còn vượt độ sâu cho phép, ranh giới cấp phép, công tác quản lý...). Công tác giám sát quá trình khai thác cát, sỏi lòng sông sau cấp phép của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chưa được quan tâm đúng mức.
Dừng ngay khai thác cát tại khu vực đê bị sạt lở
![]() |
Mặt đê thôn Đầng, xã Huyền Sơn bị lún, nứt. |
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về tổ chức được cấp phép khai thác vì thực hiện chưa đầy đủ nội dung theo giấy phép được cấp.
Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và chính quyền sở tại chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện khai thác; không phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm.
Trước thực tế trên, để giảm thiểu tối đa các tác nhân gây sạt lở bãi sông, bờ sông, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường sớm tham mưu ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để tăng cường quản lý các hoạt động khai thác.
Chủ trì thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực cấp phép khai thác cát, sỏi, nạo vét luồng thủy nội địa; kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án đã được cấp phép (về phạm vi, chiều sâu, trữ lượng, cải tạo phục hồi môi trường, tác động tới dòng chảy, đê điều...) để tham mưu cho UBND tỉnh hạn chế hoặc điều chỉnh thu hồi cấp phép các khu vực khai thác không bảo đảm an toàn bờ sông, bãi sông, hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi, gần dân cư.
Ông Dĩnh bày tỏ, việc khai thác, nạo vét cát, sỏi lòng sông đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phát triển KT-XH của địa phương là cần thiết song thời gian cấp phép khai thác quá dài, trong khi việc bồi lắng lòng sông hiện nay chậm nên có thể xem xét rút ngắn thời gian cấp phép hoạt động.
Đi đôi với biện pháp trên, UBND huyện Lục Nam cần yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi trong các khu vực đang có diễn biến sạt lở dừng ngay việc khai thác; cùng chính quyền sở tại khắc phục sự cố nếu gây ra sạt lở.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)