Sản xuất giá thể bầu hữu cơ trong nhân giống keo, bạch đàn: Hướng đi mới thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp Bắc Giang
Trong phát triển lâm nghiệp, thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy, trồng rừng kinh tế tại các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bạch đàn và keo lai. Đây là các loài cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, chu kỳ khai thác ngắn, có nhiều công dụng khác nhau trong sản xuất, đời sống kinh tế và xã hội nên được coi là một trong những loài cây trồng rừng chính không chỉ ở Bắc Giang mà trên cả nước.
![]() |
Sản xuất giá thể bầu hữu cơ nhân giống keo tại Công ty TNHH một Thành viên lâm nghiệp Lục Nam. |
Mặc dù việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cây lâm nghiệp những năm qua đã được tăng cường song trên thực tế giá trị sản xuất lâm nghiệp chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là do tiêu tốn nhiều công lao động và nhược điểm của việc sử dụng cây con nhân giống theo phương pháp truyền thống bằng bầu đất. Từ thực tế trên, ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giá thể bầu hữu cơ trong nhân giống cây keo, bạch đàn nhằm nâng cao hiệu quả trồng rừng và thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang”, tháng 1/2017, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Dương và các cộng sự của Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đã bước vào triển khai thực hiện. Sau ba năm nghiên cứu, đến nay nhóm thực hiện đề tài đã cho ra sản phẩm hiệu quả.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, so với phương pháp truyền thống nhân giống bằng bầu đất, dùng bầu ươm cây giống lâm nghiệp có giá thể làm từ các chất hữu cơ và vỏ bầu được làm từ chất liệu tự tiêu là một biện pháp kỹ thuật mới, mang tính sáng tạo. Biện pháp kỹ thuật này nhằm tạo môi trường dinh dưỡng tốt, tăng tỉ lệ sống, thúc đẩy cây con sinh trưởng sớm, nâng cao năng suất trồng rừng và kéo dài mùa vụ trồng. Bầu hữu cơ có một số ưu điểm như: Khả năng thoát nước, thoát khí, tăng độ thoáng khí cho rễ cây sinh trưởng, khối lượng nhẹ, quá trình vận chuyển bầu thuận lợi, rút ngắn giai đoạn cây con và năng suất trồng rừng cao.
Những năm qua, phát triển lâm nghiệp được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Là tỉnh miền núi, diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 153.739 ha, chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Trong đó, cùng với rừng đặc dụng và phòng hộ, rừng sản xuất chiếm tới gần 78% với 119.728 ha. Đây là tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Kiêm, Giám đốc Công ty TNHH một Thành viên lâm nghiệp Lục Nam - đơn vị phối hợp thực hiện đề tài, với các thành phần chính như sơ dừa, mùn cưa, vỏ lạc, trấu hun và bùn, bầu hữu cơ có giá thể tơi xốp, đủ dinh dưỡng làm cho cây sinh trưởng tốt, cân đối, hệ rễ phát triển đều. Qua triển khai thực hiện trên diện tích 20ha, với 3,5 vạn cây giống thấy rằng, mô hình này ưu việt hơn nhiều so với sử dụng bầu đất trước đây, cây giống sinh trưởng và phát triển tốt.
Cũng theo ông Kiêm, từ thực tế trên cùng với việc nghiên cứu thành công, chủ đề tài cần sớm chuyển giao kỹ thuật công nghệ để cách làm này sớm được ứng dụng vào thực tiễn, qua đó mở rộng quy mô sản xuất, nhân rộng các mô hình của đề tài, góp phần tạo việc làm, nguồn thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)