Quỹ quốc gia về việc làm: Bổ sung nguồn, tăng hiệu quả sử dụng vốn
Hiệu quả từ nguồn tín dụng ưu đãi
Nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động, từ năm 1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về việc thành lập Quỹ, bảo đảm nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình.
![]() |
Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Phú mang lại thu nhập cao từ nguồn vốn vay ưu đãi. |
Trước năm 2016, hoạt động vay vốn từ Quỹ nằm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và từ năm 2016 đến nay, được thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61/2015/NĐ-CP (nay được thay thế bằng Nghị định 74/2019/NĐ-CP).
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), những điều chỉnh này tạo thuận lợi để người dân tiếp cận, phát huy hiệu quả nguồn vốn; xóa bỏ tâm lý ỷ lại, tạo động lực và trách nhiệm khi thực hiện chính sách ưu đãi. Để chính sách đi vào đời sống, ngành Lao động đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), các hội, đoàn thể nhận ủy thác ở địa phương để triển khai cho vay.
Tháng 5 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Phú (SN 1979), ở thôn Hòa Nội, xã Khám Lạng (Lục Nam) vay số tiền 100 triệu đồng từ Quỹ. Đây là lần thứ hai anh được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi này. Năm 2018, khi được vay 50 triệu, anh dành tiền thuê máy làm đất, mua sắm máy bơm phục vụ tưới tiêu cho hơn 10 sào đất trồng bưởi Diễn. Lần này, số tiền được vay gấp đôi, cùng với vốn tích lũy của gia đình, anh đầu tư mở rộng thêm hơn 5 sào trồng loại cây ăn quả này.
Anh chia sẻ: “Khi mới lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn, hai vợ chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định, cả nhà chỉ trồng mấy sào lúa, vì vậy con cái cũng ít có điều kiện học tập. Nhờ mở rộng sản xuất, lại được vay vốn ưu đãi từ nguồn ủy thác của Hội Nông dân xã, tôi quyết tâm thoát nghèo”. Giờ đây, với khoảng 400 cây bưởi cho thu hoạch, bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 200 triệu đồng.
Còn với chị Vi Thị Tuyến (SN 1985), thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên), đồng vốn chính sách đã giúp gia đình thoát nghèo. Chồng và con trai chị mất mấy năm trước, chị và cô con gái nhỏ sống nương tựa vào nhau. Với số tiền vay 50 triệu đồng từ năm 2019, chị Tuyến được chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hướng dẫn sinh kế phù hợp. Từ đôi bò sinh sản ban đầu, đến nay, chị đã xuất bán được 2 lứa. Có vốn, chị Tuyến mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để tăng thu nhập. Trong đợt rà soát cuối năm 2021, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Tích cực giải ngân, kiểm soát dư nợ
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện nay, doanh số cho vay từ Quỹ đạt gần 280 tỷ đồng với hơn 4,1 nghìn khách hàng được vay vốn; số lao động được tạo việc làm đạt gần 7,6 nghìn người; doanh số thu nợ đạt gần 87,5 tỷ đồng.
![]() |
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Yên hướng dẫn người dân xã Ngọc Vân tiếp cận vốn. |
Một số địa phương có doanh số cho vay cao như: Huyện Yên Dũng (hơn 38 tỷ đồng); huyện Lạng Giang (hơn 33,4 tỷ đồng); huyện Việt Yên (gần 32,3 tỷ đồng); huyện Tân Yên (24,4 tỷ đồng); huyện Lục Nam (21,4 tỷ đồng). Đến nay, tổng dư nợ của nguồn Quỹ đạt hơn 526,5 tỷ đồng với gần 8,9 nghìn khách hàng đang có dư nợ; chất lượng tín dụng an toàn vì tỷ lệ nợ quá hạn thấp (năm 2021 chiếm 0,02%/tổng dư nợ).
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay từ Quỹ vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đối tượng vay vốn tập trung vào nhóm hộ gia đình, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhỏ lẻ nên hiệu quả tạo việc làm mới còn hạn chế. Theo ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, nguyên nhân là do nguồn vốn T.Ư phân bổ vào Quỹ khá khiêm tốn (68,9 tỷ đồng năm 2015), số cho vay hiện nay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm.
Theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo là 7,92%/năm (trước đây bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo mức 6,6%/năm). |
Trong tổng số 16 chương trình cho vay vốn hiện nay thì dư nợ của nguồn quỹ này chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của ngân hàng. Vì thế, Quỹ chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn ngày càng nhiều của người dân và các cơ sở sản xuất. Như tại huyện Lục Ngạn, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng dư nợ của Quỹ là 38,8 tỷ đồng, chỉ chiếm 4% dư nợ các chương trình tín dụng của ngân hàng.
Hằng năm, không có nguồn T.Ư bổ sung, ngân sách huyện chỉ phân bổ khoảng 1 tỷ đồng, nên dù địa phương có lợi thế về phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, hợp tác xã sản xuất mỳ gạo truyền thống với nhu cầu vay vốn lớn nhưng Quỹ mới chỉ đáp ứng khoảng 30%.
Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát tốt dư nợ thông qua việc triển khai chặt chẽ các khâu trong quá trình giải ngân, nhất là khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Ông Trịnh Hữu Ngọc Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, dựa trên kế hoạch đã xây dựng, đơn vị cử cán bộ về cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và các tổ tiết kiệm khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã, lập danh sách báo cáo để phân bổ.
Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng và vận động trả nợ đúng hạn. Đặc biệt, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, con giống để mô hình sản xuất của các hộ vay vốn phát triển tốt. Trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, ngân hàng quan tâm phối hợp với ngành, địa phương liên quan để thẩm định theo quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Còn với huyện Lạng Giang, dựa trên kết quả thẩm định, ngân hàng ưu tiên lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, có tính khả thi để dồn vốn, bảo đảm cho vay tối đa theo hạn mức, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đầu năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Vì vậy, năm 2022 nguồn vốn T.Ư phân bổ cho Quỹ được 160 tỷ đồng; lãi suất với các khoản vay có mức từ 6%/năm trở lên được giảm 2%/năm. Đây sẽ là cơ hội tốt để nhiều người dân tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thành công mô hình sản xuất.
Tuy vậy, để duy trì và phát huy hiệu quả của Quỹ, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, địa phương kiến nghị Chính phủ cân đối, hằng năm cấp bổ sung kinh phí. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm; tăng cường hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao giá trị kinh tế của mô hình sản xuất, bảo đảm đời sống, thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)