Quan tâm đào tạo kỹ năng nghề, chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành tỉnh.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang.
|
Trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, nhạy bén, kịp thời trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH. Nhờ đó, cơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Thị trường lao động phục hồi tích cực, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thấp hơn nhiều so với năm 2021; lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt cao; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả tốt sau thời gian trở lại học trực tiếp. Cùng đó, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chính sách ưu đãi người có công, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo; người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác được chăm lo chu đáo.
Với sự quyết tâm cao, năm 2022, ngành LĐTBXH đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,2%; đưa hơn 142 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt 38%, tham gia BHTN đạt 31,1%.
![]() |
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.
|
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất những kết quả đạt được của ngành đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, trao đổi, làm rõ những khó khăn, tồn tại như: Thị trường lao động phát triển không đồng đều, mất cân đối cung - cầu, tỷ lệ thất nghiệp chung thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động; công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn, nhất là trình độ cao đẳng, trung cấp và tuyển sinh các ngành, nghề chuyên môn đặc thù.
Việc triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm; phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng; tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp.
Để hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể Quốc hội, Chính phủ giao năm 2023, Bộ LĐTBXH bám sát phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong các chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ của ngành.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội; ổn định và phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững và hội nhập; phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là lao động chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các nhiệm vụ của ngành.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn trao Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 của Bộ LĐTBXH cho lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang.
|
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bộ LĐTBXH đảm nhận nhiệm vụ, trọng trách lớn, bao quát, xuyên suốt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, an sinh xã hội. Đồng chí biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của toàn ngành trong năm qua, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển KT-XH của cả nước sau đại dịch.
Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn về lạm phát, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Bộ LĐTBXH khắc phục những khó khăn, tồn tại đã được phân tích, tiếp tục bám sát, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Trong đó, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực lao động, NCC và xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc, các cấp, địa phương. Tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về việc làm, lao động, NCC, bảo trợ xã hội… bảo đảm tính toàn diện, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Riêng với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách NCC, cần tiếp tục được quan tâm, huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, tôn tại các công trình ghi công liệt sĩ. Phát triển thị tường lao động theo hướng đa dạng, linh hoạt, tạo sự cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Đặc biệt, chú trọng đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho lao động nhằm chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Có giải pháp đột phá nâng cao, hợp lý hóa cơ cấu lao động; đẩy mạnh các mô hình hợp tác, liên kết với DN trong đào tạo nghề.
Đồng chí cũng đề nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, xây dựng các mô hình an sinh hiện đại, phù hợp với từng nhóm đối tượng bảo trợ, yếu thế; quan tâm đến chính sách về nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Tiếp tục duy trì tốc độ giảm nghèo, giảm nghèo bền vững ở các vùng khó khăn; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như bạo lực trẻ em, phụ nữ, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân trong giải quyết thủ tục, chế độ. Đồng chí giao nhiệm vụ cho Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, phát huy tối đa chức năng dạy văn hóa và dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, ổn định thị trường lao động.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn chỉ đạo Sở LĐTBXH, các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tập trung cao cho công tác chăm lo Tết cho người dân, bảo đảm chuyển quà Tết đến NCC, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội xong trước ngày 25 tháng Chạp. Để ổn định thị trường lao động, đồng chí đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức sớm phiên giao dịch việc làm đầu Xuân, kết nối cung – cầu lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Về lĩnh vực NCC, đồng chí đề nghị Sở LĐTBXH bám sát chỉ đạo, phối hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH để giải quyết số hồ sơ về NCC còn tồn đọng. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh thực hiện tốt các đề án, kế hoạch đã được phê duyệt về giáo dục nghề nghiệp.
Dịp này, đồng chí Mai Sơn trao Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 của Bộ LĐTBXH cho Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang. Đơn vị là một trong 16 khối sở LĐTBXH các tỉnh, TP vinh dự đón nhận danh hiệu này.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)