Phóng viên xông pha tuyến đầu phòng, chống dịch
Có mặt tại “điểm nóng”
Những ngày trên cả nước xuất hiện nhiều ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng, anh Nguyễn Đức Minh, phóng viên chuyên trách y tế (Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang) luôn có mặt tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. “Chúng tôi sát cánh cùng các lực lượng y tế, quân đội, công an để kịp thời thông tin về tình hình sức khỏe người vào cách ly tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang, xã Quế Nham (Tân Yên).
![]() |
Phóng viên Báo Bắc Giang đi thực tế tại khu cách ly tập trung của tỉnh. |
Có khi lại có mặt tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) để nắm bắt tình trạng sức khỏe của những người nghi nhiễm đang điều trị cách ly chờ kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Không ít đêm thức chờ lấy kết quả xét nghiệm để kịp phát bản tin sáng cho người dân yên tâm"- anh Minh kể.
Là một phóng viên tham gia tuyên truyền đợt cao điểm phòng, chống dịch, anh Đinh Công Doanh (Báo Bắc Giang) cho hay: "Làm báo đa phương tiện, muốn có hình ảnh chân thực, sống động, phóng viên phải tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho mình và những người xung quanh. Những lần Bộ Y tế phát đi các thông báo khẩn tìm người trên các chuyến bay về từ vùng dịch của một số nước trên thế giới; người về từ Bệnh viện Bạch Mai hay những trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân ở chợ hoa Mê Linh; người bệnh số 262 làm việc tại Công ty SamSung Display, tôi đều cùng đồng nghiệp đi phỏng vấn, ghi hình, đưa tin".
Ý thức bảo vệ chính mình, mỗi người làm báo tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch; nghiêm túc đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, mũi, miệng, vệ sinh thiết bị tác nghiệp.
Không tránh khỏi những tình huống tiếp xúc có yếu tố lây nhiễm, một số gia đình phóng viên, nhân viên cơ quan báo đã nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện cách ly nhằm bảo vệ mình, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng. Nhiều nhà báo đã chủ động gọi điện đến đường dây nóng để được theo dõi sức khỏe, làm xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Khi Bộ Y tế thông báo bệnh nhân số 183 là nữ phóng viên đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, nhiều người cũng e dè, hạn chế tiếp xúc khiến nhiều phóng viên có chút chạnh lòng. Nhưng trước yêu cầu nhiệm vụ, mỗi nhà báo đã gác nỗi lo lắng sang một bên, khắc phục khó khăn, miệt mài với công việc.
Sự quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tiếp thêm động lực cho những người làm báo. Các cơ quan báo chí cũng coi đây là bài học để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, vừa phải bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, phóng viên và người xung quanh.
Đưa thông tin chính thống đến người dân
Được biết, những ngày đầu, khi liên hệ làm việc với Sở Y tế, các phóng viên mới chỉ tiếp cận những thông tin sơ bộ về bệnh viêm phổi lạ khởi phát tại Trung Quốc. Rồi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Chiều 30 Tết Canh Tý, trong cơn mưa rào trái mùa vần vũ, cùng đoàn lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, những phóng viên đã dự cảm về một dịch bệnh mới và nghĩ đến cái Tết không nghỉ của người làm công tác truyền thông.
Để có những tác phẩm chân thực, sinh động về công tác phòng, chống dịch, các phóng viên đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, làm việc với tâm huyết và trách nhiệm.
|
Là người làm thời sự, anh em báo chí đã quen và luôn sẵn sàng tác nghiệp về thiên tai, dịch bệnh. Nhưng lần này, đại dịch diễn ra khốc liệt trên phạm vi toàn cầu với tính chất phức tạp. Hằng ngày, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đều đăng phát nhiều bản tin, chuyên mục, cường độ làm việc của phóng viên và tòa soạn cũng cao hơn ngày thường gấp bội.
Ở những trường hợp nghi nhiễm, bác sĩ cùng người bệnh lo lắng mong đợi kết quả xét nghiệm như thế nào thì tâm trạng của phóng viên cũng vậy, luôn thầm mong ca bệnh âm tính để đưa tin ngay cho người dân và những người liên quan yên tâm.
Thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng nhất trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, Báo Bắc Giang điện tử có lượng bạn đọc truy cập rất cao, hơn 100 nghìn lượt mỗi ngày. Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang cũng có đông đảo khán giả đón xem các bản tin. Trước sự quan tâm của công chúng, người làm báo càng phải nêu cao trách nhiệm trong việc phản ánh thông tin.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thông tin chính thống được đăng trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã góp phần giúp người dân nhận thức đầy đủ về tình hình dịch bệnh, có hành động đúng đắn để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Động viên, khích lệ các lực lượng xã hội chung tay ủng hộ tài chính, lương thực, thực phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch.
Đồng thời phản ánh những khó khăn, nguy hiểm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội trong "cuộc chiến" phòng, chống dịch. Và chính trong cuộc chiến đó, các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cũng là một lực lượng không thể thiếu vắng.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)