Phòng ngừa yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Tiềm ẩn nguy cơ bệnh nghề nghiệp
Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp mà người lao động ở ngành nghề nào cũng có thể mắc. Nguyên nhân là do người lao động tiếp xúc thường xuyên, lâu dài trong môi trường không bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiềm ẩn yếu tố độc hại. Hiện nay, công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa tổ chức điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp trên địa bàn. Qua điều tra, đánh giá cho thấy thực trạng này còn nhiều bất cập. Toàn tỉnh có 820 DN có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đang hoạt động. Trong đó, phần lớn là DN sản xuất quy mô nhỏ (chiếm tỷ lệ 59,1%), quy mô vừa là 24%, quy mô lớn là 16,7%. Có tổng số 242,9 nghìn người lao động, trong đó khoảng 23,9 nghìn lao động tiếp xúc trực tiếp với yếu tố độc hại, nguy hiểm. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã quan tâm lắp đặt trang thiết bị cải thiện môi trường lao động song tỷ lệ chưa cao. Tại những DN được khảo sát mới có 31,3% đơn vị lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; 26,7% đơn vị thực hiện quan trắc môi trường; 46,5% DN có phòng y tế; 69% có tủ thuốc và dụng cụ y tế. Những nơi phát sinh yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp chủ yếu là do thiếu ánh sáng, các chỉ số về bụi, tiếng ồn, hơi - khí độc... vượt tiêu chuẩn cho phép.
Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Thông tư số 19/2011/TT-BYT (hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe NLĐ và bệnh nghề nghiệp), hằng năm DN phải tổ chức quan trắc môi trường lao động ít nhất một lần để đánh giá yếu tố có hại phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Việc quan trắc môi trường lao động rất quan trọng bởi từ kết quả các mẫu đo cụ thể (tùy lĩnh vực sản xuất), đơn vị đánh giá được các yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp, từ đó, DN tổ chức khám sức khỏe cho lao động để sớm sàng lọc, phát hiện, giúp người lao động điều trị bệnh lý kịp thời, qua đây chủ DN có giải pháp đầu tư trang thiết bị cải thiện môi trường làm việc.
![]() |
Khám sức khỏe cho công nhân Công ty TNHH Điện tử Youwei Việt Nam (Lạng Giang). |
Tuy vậy, trên thực tế công tác chăm sóc sức khỏe người lao động cũng chưa được nhiều chủ sử dụng lao động trong tỉnh quan tâm thường xuyên. Báo cáo đánh giá cho thấy, tỷ lệ DN thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định đạt 55%, khám bệnh nghề nghiệp chỉ đạt 26,7% trong tổng số đơn vị đang hoạt động. Kết quả điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng chỉ rõ, người lao động có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp về bụi phổi silic chiếm 6,61%, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp 30,3%, điếc do tiếng ồn 26%.
Tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của DN
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2030. Trong đó xác định một số mục tiêu cơ bản đến năm 2030 như: Có 80% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý; ít nhất 50% cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được kiểm tra về công tác quan trắc môi trường lao động. 100% người lao động tại DN có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng tránh và được quản lý sức khỏe, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; 100% các cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng, chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc...
Tại những DN được khảo sát mới có 31,3% đơn vị lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; 26,7% đơn vị thực hiện quan trắc môi trường; 46,5% DN có phòng y tế; 69% có tủ thuốc và dụng cụ y tế. |
Theo ông Đặng Bá Hiểu, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), để hoàn thành các chương trình, kế hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp trong DN, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh tuyên truyền để DN quan tâm, chủ động áp dụng biện pháp cải thiện môi trường làm việc, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, có đầy đủ bảng hướng dẫn, biển cảnh báo, nhắc nhở người lao động chấp hành quy định về khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp. Cùng đó, đa dạng hình thức truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp qua nền tảng mạng xã hội, tài liệu (sách, báo, tạp chí) nhằm nâng cao nhận thức của chủ DN và người lao động về tầm quan trọng của việc thực hiện quy trình sản xuất an toàn. Công nhân làm việc tại các phân xưởng cần ý thức cao và chủ động thực hiện các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động đã được khuyến cáo. Đó là sử dụng đúng và đầy đủ quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, mũ, kính; thực hành đúng quy trình an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa mắc bệnh nghề nghiệp.
Ngành Y tế phối hợp với DN tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý công tác vệ sinh lao động, y tế lao động, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ y tế, an toàn vệ sinh lao động tại DN. Các cơ quan, đơn vị tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nếu phát hiện DN trốn tránh trách nhiệm, cố tình vi phạm, có hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe người lao động.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)