Phòng dịch nghiêm ngặt, khôi phục hoạt động khám, chữa bệnh
Phòng dịch nghiêm ngặt
Song hành với nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn phải bảo đảm an toàn cho toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh bình thường. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đơn vị chốt chặt các cổng phụ, chỉ mở 2 cổng chính cho người dân vào khám theo hướng một chiều, tách biệt bệnh nhân bình thường và người có triệu chứng ho, sốt. Người dân đến khám, chữa bệnh, chăm nuôi người thân đều được lấy mẫu xét nghiệm PCR.
![]() |
Tiêm phòng dịch vụ cho người dân tại Phòng tiêm Sapo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Riêng cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân nội trú sẽ được lấy mẫu mỗi tuần một lần để tầm soát Covid-19. Bệnh viện thực hiện khử khuẩn buồng, phòng mỗi ngày một lần; nhân viên vệ sinh thường xuyên vệ sinh tay nắm cánh cửa, cầu thang, nhà vệ sinh dưới sự giám sát của cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn.
Để tránh tập trung đông người, Khoa Khám bệnh sắp xếp lấy số qua điện thoại, hẹn giờ khám, mở rộng khu vực chờ khám, bố trí ghế ngồi giãn cách, mời từng bệnh nhân vào phòng. Bà Đặng Thị Moi (63 tuổi) ở xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) cho biết: “Tôi đang điều trị thủng hang vị dạ dày tại Khoa Ngoại tiêu hóa. Trong những ngày ở đây, tôi luôn đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, không ra khỏi phòng khi không có chỉ định đi chụp chiếu, xét nghiệm”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng bệnh nhân đến khám giảm 50% so với bình thường. Dịp này, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 400-450 lượt người khám, chữa bệnh, số ca nặng, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu vẫn chiếm từ 10-13%.
Do phải đảm nhiệm điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 và Khoa Truyền nhiễm nên nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh thông thường mỏng. Để duy trì tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, dù nhân lực thiếu, Bệnh viện vẫn bố trí 3 kíp bác sĩ đi đào tạo các gói kỹ thuật chuyên sâu của lĩnh vực chấn thương, tim mạch, nội thận tiết niệu.
Từ tháng 6/2021, ngoài kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da (đặt stent), Bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới như: Nong van tim hai lá bằng bóng Inoue qua da; điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng radio qua đường ống thông. Đây là những bước tiến mới trong điều trị tim mạch ở tuyến tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Sau hơn một tháng tạm dừng phục vụ để điều trị bệnh nhân Covid-19, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam tiến hành khử khuẩn làm sạch môi trường để triển khai nhiệm vụ khám, chữa bệnh bình thường từ ngày 28/6. Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Mạnh, Giám đốc Trung tâm, để bảo đảm an toàn, Trung tâm triển khai test nhanh cho tất cả người đến khám, chữa bệnh, chăm nuôi bệnh nhân. Khoa Khám bệnh tổ chức khám sàng lọc, phân loại, chuyển khám riêng nếu có yếu tố nguy cơ nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Theo đánh giá của Sở y tế, do dịch bệnh, lượng người đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh thời gian vừa qua giảm từ 40-50% so với bình thường. Tuy nhiên số bệnh nhân bệnh nặng cần được cấp cứu, chăm sóc thường xuyên vẫn khá đông đòi hỏi ngành y tế vừa tập trung kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh bình thường để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
Tạm dừng hoạt động hơn một tháng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 24/6, Phòng tiêm Sapo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân. Chị Nguyễn Thị Điệp, nhân viên tại đây cho biết: Sau khi mở cửa trở lại, Phòng tiêm rất đông khách do nhiều người bị gián đoạn đến tiêm bù; mỗi ngày có khoảng 200 lượt khách hàng, trong đó chủ yếu là trẻ em. Để phòng dịch, Phòng tiêm đặt lịch tiêm qua điện thoại. Trước đây, khu vực tiêm bố trí hai bàn nay sắp xếp lại còn một bàn để có không gian rộng rãi, hạn chế tiếp xúc gần. Nơi khám sàng lọc có quây kính chắn giọt bắn.
Trở lại trạng thái bình thường mới
Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, do lo ngại dịch bệnh, lượng người đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh đều giảm từ 40-50% so với bình thường. Tuy nhiên số bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng cần chăm sóc thường xuyên vẫn đông đòi hỏi ngành y tế vừa tập trung kiểm soát dịch hiệu quả, vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh bình thường đáp ứng nhu cầu của người dân.
![]() |
Người dân khai báo y tế khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thời điểm này, những ca nhiễm Covid-19 sẽ đưa vào điều trị tại một số cơ sở riêng biệt để từng bước khôi phục lại hoạt động khám, chữa bệnh thông thường ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Các trung tâm y tế tuyến huyện hiện không còn tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, ưu tiên phục vụ công tác khám, chữa bệnh thường xuyên cho người dân. Hiện chỉ còn Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa có 2 bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện trong những ngày tới.
Trở lại trạng thái bình thường mới, các cơ sở y tế đều chú trọng thực hiện tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều bố trí khu vực khai báo y tế, khám phân loại, sàng lọc bệnh nhân, sắp xếp buồng phòng cách ly, dự trữ đầy đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân, bắt buộc người đến khám, chữa bệnh xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên, thời điểm này, các cơ sở y tế đều gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí chi trả cho việc xét nghiệm đối với bệnh nhân đến khám, chữa bệnh thông thường. Nhân lực của các đơn vị đều thiếu do phải tăng cường cho các khu điều trị bệnh nhân Covid-19, hỗ trợ các vùng dịch lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị đặt yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn ở tiêu chuẩn cao nhất. Trong đó chú trọng vệ sinh môi trường, khử khuẩn ngăn chặn lây nhiễm chéo, nhất là ở các phòng thủ thuật, y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Đặc biệt, yêu cầu trong phòng hồi sức tích cực ở tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế không được cho người nhà vào chăm nuôi bệnh nhân mà điều dưỡng phải trực tiếp chăm sóc toàn diện ở khu vực này. Bệnh nhân mắc các bệnh cấp tính nguy hiểm mới chỉ định nội trú.
Ý kiến bạn đọc (0)