Phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng: Thường xuyên tuần tra, cảnh báo
Thiệt hại lớn
Đến thăm chị Đỗ Thị Lưu, thôn Đèo Cà, xã Đồng Hưu (Yên Thế) khi chồng chị là anh Đỗ Phi Hồng vừa mất một tuần trong vụ cháy rừng. Nhắc lại vụ việc, chị Lưu còn bàng hoàng, đau xót. Chị kể, gia đình chị có hơn 10 năm trồng rừng, lần nào trước khi đốt dọn thực bì cũng làm đường băng cản lửa để đám cháy không lan sang diện tích bên cạnh và mọi việc đều suôn sẻ.
![]() |
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Yên Thế hướng dẫn chủ rừng xã Đồng Hưu cách đốt dọn thực bì sau thu hoạch. |
Tuy nhiên, hôm đó, ngày 24/6, vợ chồng anh chị tranh thủ đốt dọn thực bì sau khai thác rừng thì đúng vào hôm nắng nóng nhất, nhiệt độ cao. Vùng đốt nằm ở nơi hút gió làm những tàn tro từ đám cháy bay xa, lan sang rừng của hộ lân cận. Khi thấy lửa bén, chồng chị đã tự mình dập lửa. Chị cũng đi theo anh và bị ngất ở dưới chân đồi, được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu.
Chị Lưu nói: “Khi tỉnh dậy tôi rất yếu, vẫn hy vọng chồng đang chống cháy cùng bà con. Ai dè, chồng tôi đã bị ngạt khí và tử vong”. Được biết, gia đình chị Lưu thuộc diện cận nghèo. Hiện giờ chị Lưu một mình nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học trong khi bản thân thường xuyên đau ốm. Nắm được hoàn cảnh của chị Lưu, UBND huyện Yên Thế đã đến động viên, hỗ trợ gia đình 5,4 triệu đồng; UBND xã Đồng Hưu hỗ trợ 1,3 triệu đồng.
Ông Lê Phước Hoàn, Trưởng thôn Đèo Cà, là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường để dập lửa cho biết, khi phát hiện vụ cháy, ông cùng mọi người trong xã đến dập lửa, sau khoảng 2 giờ đám cháy được dập tắt. Theo ông Hoàn, đám cháy không lớn nhưng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Giá như khi phát hiện ngọn lửa lan rộng, vợ chồng anh Hùng báo ngay cho thôn để mọi người biết sớm cùng chung sức ngăn chặn thì đã không xảy ra cơ sự như vậy.
Vào khoảng 19 giờ 15 phút ngày 25/6, tại xã Tiền Phong (Yên Dũng) cũng xảy ra cháy rừng. Ngoài cán bộ, nhân dân trong xã, UBND huyện đã huy động nhiều lực lượng tham gia chữa cháy. Đến 24 giờ cùng ngày, đám cháy được khống chế. Qua kiểm tra sơ bộ, diện tích đám cháy khoảng 3,1 ha, cây chủ yếu là bạch đàn chồi và keo tái sinh. Đến nay, nguyên nhân cháy vẫn chưa được xác định.
Nâng cao ý thức của chủ rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng. Ngoài 2 vụ trên còn có 3 vụ khác ở xã Đèo Gia (Lục Ngạn), xã Tiên Hưng (Lục Nam). Nguyên nhân được xác định một phần do nắng nóng, người dân khi đốt dọn thực bì còn chủ quan, không lường trước được sự cố.
Thực tế, khi cháy rừng xảy ra, việc khắc phục gặp nhiều trở ngại do địa hình phức tạp. Hơn nữa, không phải người dân nào cũng có kỹ năng dập lửa khi tham gia chữa cháy.
![]() |
Hiện trường vụ cháy rừng tại xã Đồng Hưu. |
Dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Bắc Giang, nắng nóng gay gắt diện rộng còn tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Dự báo cấp cháy ở các khu vực có rừng trong tỉnh đang ở cấp cao và cấp nguy hiểm. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh nhiều diện tích rừng đang cho thu hoạch, người dân vẫn đốt dọn thực bì, vì vậy tiềm ẩn yếu tố mất an toàn.
Trước tình hình trên, tại huyện Yên Thế, ngay khi xảy ra một vụ chết người do đốt dọn thực bì, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Theo đó, yêu cầu Hạt Kiểm lâm bố trí lực lượng trực phối hợp chặt chẽ với UBND xã, thị trấn và chủ rừng tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng cháy rừng; theo dõi diễn biến thời tiết; biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy rừng để thông tin đến người dân.
Các xã, thị trấn khi xảy ra cháy rừng vượt khả năng kiểm soát của địa phương cần báo cáo ngay về Thường trực Ban chỉ đạo bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng huyện qua số máy 0902.111.828. Các chủ rừng tạo đường băng cản lửa trước khi đốt thực bì, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của gia đình và cộng đồng.
Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn thông tin, toàn huyện có gần 50 nghìn ha rừng. Căn cứ vào bản tin cảnh báo cấp cháy rừng, đơn vị triển khai ngay các nội dung đến 20 xã trọng điểm về rừng để người dân nắm được. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, Hạt tăng cường tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, tiêu giảm vật liệu có thể gây cháy rừng. Riêng tại xã Đèo Gia, khu vực đã xảy ra một vụ cháy, Hạt phối hợp với UBND xã bổ sung lực lượng, thường xuyên duy trì khoảng 10 người, lập chốt kiểm soát người ra vào rừng.
Đi đôi với biện pháp trên, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm phân công trực, tuần tra canh gác để sớm phát hiện, huy động lực lượng, tổ chức dập tắt đám cháy rừng; đề nghị UBND các huyện, TP tăng cường kiểm tra đôn đốc chính quyền cấp xã, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm cơ sở thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cùng đó, Chi cục đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng” như: Lắp biển báo cấp dự báo cháy rừng; trang bị phương tiện, máy móc và thiết bị, công cụ, dụng cụ để chữa cháy, bảo vệ rừng như xe ô tô chuyên dùng, máy thổi gió, máy định vị, thiết bị quay phim, chụp ảnh trên không điều khiển từ xa…
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)