Phòng Cảnh sát kinh tế: Mũi nhọn trong phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu
Những năm gần đây, nhiều loại tội phạm kinh tế hoạt động với phương thức và thủ đoạn tinh vi, có sự chuẩn bị kỹ càng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, phá án.
Vì vậy, việc phá thành công nhiều vụ án về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thời gian qua cho thấy sự mưu trí, kiên quyết đấu tranh để đưa tội phạm ra ánh sáng của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế.
![]() |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Huân chương chiến công hạng Ba cho Phòng Cảnh sát kinh tế. |
Đặc biệt năm 2022 và những tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực mới, được dư luận xã hội quan tâm. Đó là vi phạm trong hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục; lập khống hồ sơ thanh quyết toán trong thi công các công trình thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật, sách giáo khoa…
Là lực lượng chủ công trong “đánh án” kinh tế, trực tiếp tham gia điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn, Trung tá Lại Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế cho biết: Đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu luôn là cuộc chiến đầy cam go, quyết liệt và nhiều cám dỗ, đòi hỏi các trinh sát phải thực sự đấu trí, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức pháp luật; trau dồi kỹ năng nghiệp vụ.
Trước tình hình đó, Phòng đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp đấu tranh, chú trọng kế hoạch phòng ngừa; chủ động phát hiện và kịp thời chỉ ra những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế của các cơ quan, doanh nghiệp để kiến nghị khắc phục. Tập trung đấu tranh cụ thể, nhanh chóng xác minh làm rõ hành vi sai phạm, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý đúng pháp luật.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế trao đổi nghiệp vụ công tác. |
Kết quả năm 2022, toàn tỉnh khởi tố 66 vụ án với 124 bị can, trong đó án tham nhũng khởi tố mới 19 vụ với 33 bị can (Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện, khởi tố mới 4 vụ, 7 bị can); còn lại là án kinh tế (Phòng Cảnh sát kinh tế khởi tố mới 11 vụ, hơn 20 bị can). So với năm 2021 tăng 21,15% về số vụ và 17,02% số bị can.
Điển hình, ngày 23/11, Cơ quan CSĐT (Cảnh sát kinh tế) Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Xuân Quang (SN 1969), nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên và Dương Thị Nga (SN 1979), trú tại phường Nam Tiến, TP Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), nguyên Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phát triển thương mại quốc tế Khải Hồng về tội Giả mạo trong công tác. Cả hai đối tượng trên đã lập, ký khống tài liệu hồ sơ để dự thầu và trúng gói thầu “Xây dựng mới, chăm sóc đường băng xanh cản lửa” do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.
Hay như ngày 24/12, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hải Lý (SN 1974), trú tại tòa CT1, chung cư Green City phường Thọ Xương, TP Bắc Giang về tội Tham ô tài sản. Nguyễn Thị Hải Lý với vai trò là nhân viên Văn phòng Dự án Bắc Giang thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, đã thu tiền của nhiều khách hàng nhưng không nộp về Công ty mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân khoảng 17 tỷ đồng.
Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trình dịch chuyển đường dây điện chiếu sáng, thông tin đường vành đai IV thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang gây thiệt hại cho nhà nước gần 2 tỷ đồng, đơn vị đã khởi tố 4 bị can, trong đó có Nguyễn Quang Hiệp (SN 1975), cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên; Vũ Xuân Lưu (SN 1978), nguyên Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên.
![]() |
Cơ quan tố tụng thi hành lệnh khởi tố bị can đối với Dương Thị Nga về tội giả mạo trong công tác. |
Đơn vị cũng đã khởi tố tổng số 9 bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại huyện Việt Yên và Lục Nam, trong đó có các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Việt Yên, Lục Nam, giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và TP Hà Nội. Các đối tượng đã lợi dụng việc thực hiện hợp đồng cung cấp trang thiết bị giáo dục để lập chứng từ mua bán hàng hóa lòng vòng, đẩy giá lên gấp nhiều lần, gây thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng…
Thực tiễn hiện nay, các đối tượng phạm tội về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ngày càng chuyển hoá cách thức hoạt động với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế luôn chủ động trong công tác, đề cao tính thượng tôn pháp luật, giữ cho mình luôn có “trái tim nóng, cái đầu lạnh và đôi bàn tay sạch”.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, quyết tâm xây dựng hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát kinh tế “Vững về pháp luật; Giỏi về nghiệp vụ; Thông thạo về quản lý kinh tế; Nghiêm về kỷ luật, kỷ cương; Đẹp về đạo đức, lối sống”.
Với những thành tích đạt được, năm 2022, Phòng Cảnh sát kinh tế và một cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 2 cá nhân; Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân. Đặc biệt, đơn vị 2 lần được Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng “nóng” về thành tích đột xuất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)