Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng hệ thống an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội
Tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
|
Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị thấp dưới 4%
Trong bài phát biểu khai mạc do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trình bày tại hội nghị nhấn mạnh, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn ngành vẫn hoàn thành 100% các đề án trong chương trình công tác năm của Chính phủ. Trong giai đoạn 2016- 2020, Bộ đã trình Quốc hội ban hành 3 luật quan trọng gồm: Luật Trẻ em; Bộ luật Lao động; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của ngành, các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển, thúc đẩy sự chuyển dịch lao động giữa các ngành, khu vực của nền kinh tế góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Tại tỉnh Bắc Giang, năm 2020, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 32,5 nghìn lao động, trong đó, hơn 30,7 nghìn người làm việc trong nước, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2019; còn lại là xuất khẩu lao động. Trong năm, tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 31,3 nghìn người, đạt 110% kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, qua đào tạo nghề đạt 46,6% (vượt 0,2% chỉ tiêu năm). Qua khảo sát, tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức 3,1%.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc cũng thống nhất đánh giá, các chính sách với NCC được thực hiện tốt, 99,7% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ NCC thuộc hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020.
Công tác an sinh xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng vào mục tiêu công bằng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tham luận tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đề xuất Chính phủ, Bộ LĐTBXH, các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo, sớm thể chế hóa một số chính sách, quy định thuộc lĩnh vực lao động, nhất là trong giáo dục nghề nghiệp.
![]() |
Đồng chí Mai Sơn tham luận tại điểm cầu Bắc Giang.
|
Đồng chí kiến nghị Bộ LĐTBXH có văn bản chỉ đạo cụ thể nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp (DN) trong hoạt động đào tạo nghề. Trong đó, điều chỉnh quy định về cơ cấu giáo viên cơ hữu dạy nghề nhằm khuyến khích các chuyên gia, kỹ sư giỏi lành nghề của DN được tham gia vào quá trình đào tạo.
Cùng đó, có định hướng phù hợp, quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở dạy nghề giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS. Trong năm học này, tỉnh Bắc Giang có 23 nghìn học sinh tốt nghiệp bậc THCS, THPT. Nếu hoàn thành mục tiêu 40% số này tham gia học nghề sẽ góp phần giảm áp lực về chi phí đào tạo, sớm đưa lực lượng lao động tham gia thị trường.
Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hệ thống an sinh toàn diện
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ toàn lĩnh vực gồm: Độ bao phủ an sinh xã hội còn thấp, nhất là bao phủ BHXH với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, phi chính thức; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 55%); chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động nông nghiệp cao (32%); việc làm chưa thực sự bền vững; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, phụ nữ diễn biến phức tạp, một số tệ nạn xã hội gây bức xúc xã hội.
Trên cơ sở đó, xác định năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn ngành tập trung bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động, chủ động thích ứng sau dịch bệnh; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nhất là khi một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, phát triển các quan hệ lao động.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ.
![]() |
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. |
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà ngành LĐTBXH đạt được thời gian qua. Đồng chí đề nghị năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐTBXH tiếp tục rà soát, tham mưu triển khai các gói hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch, tạo đà phục hồi phát triển KT-XH, ổn định đời sống người dân.
Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội thông qua việc xây dựng hệ thống an sinh toàn diện, nhất là giải quyết các hồ sơ tồn đọng về người có công, hỗ trợ người nghèo, trường hợp yếu thế, củng cố niềm tin của người dân và toàn xã hội bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ các nhóm đối tượng để hoạch định chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế vươn lên; phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; quan tâm giáo dục nghề nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, cai nghiện nhằm góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)