Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Lục Ngạn: Gắn quy hoạch trồng rừng với chế biến
![]() |
Ông Lương Xuân Vui, chủ rừng ở thôn Đồng Con 2, xã Tân Lập cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn đo đường vanh cây rừng sản xuất của gia đình. |
Được che chắn bởi cánh cung Đông Triều, khí hậu, thổ nhưỡng huyện Lục Ngạn phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả, cây lâm nghiệp (bạch đàn và keo). Hiện nay, Lục Ngạn có hơn 52 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 50% tổng diện tích đất tự nhiên.
Xen giữa những cánh rừng có nhiều hồ cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, người dân trong huyện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng nhiều dự án, chương trình như: Hỗ trợ gạo để trồng rừng sản xuất; hỗ trợ kinh phí cho công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên...
Vốn rừng hiện có của huyện là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái..., là nền tảng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn cho biết, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã bỏ tư duy “bóc ngắn, cắn dài” mà có kế hoạch trồng, khai thác theo quy hoạch, căn cơ, bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ tốt hơn, đưa các giống mới, công nghệ cao vào sản xuất. Từ đầu năm 2020 đến nay, diện tích rừng trồng tập trung toàn huyện đạt hơn 1,4 nghìn ha; khai thác gần 1 nghìn ha rừng trồng; khối lượng lâm sản 100 nghìn m3 gỗ, giá trị lâm sản đạt 104,03 tỷ đồng.
Công tác giao rừng, cho thuê rừng đến nay cơ bản đã được thực hiện xong, rừng đã được giao cho các chủ quản lý đa dạng từ tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, diện tích rừng được giao đa phần nhỏ lẻ, manh mún rất khó sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn đến giá trị kinh tế từ rừng nhìn chung còn thấp. “Vấn đề quan trọng ở đây là hầu hết các chủ rừng vẫn chưa được cấp chứng chỉ (cấp chứng chỉ xác nhận bằng văn bản cho quá trình quản lý rừng bền vững theo một số tiêu chí và nguyên tắc nhất định đã được quốc tế và Việt Nam công nhận - PV).
Đây là điều kiện bắt buộc để gỗ rừng xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Mỹ với giá trị cao gấp nhiều lần so với thị trường truyền thống Trung Quốc và nội địa", ông Lương Xuân Vui, một chủ rừng đang có 14 ha rừng sản xuất ở thôn Đồng Con 2, xã Tân Lập chia sẻ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây lâm nghiệp còn hạn chế. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về tiềm năng kinh tế rừng mang lại nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển rừng, phát triển kinh tế từ rừng.
Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, thiết nghĩ rất cần có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành địa phương về định hướng phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch; thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, một trong những giải pháp của huyện trong thời gian tới là thực hiện tốt công tác quy hoạch, phân loại 3 loại rừng để từ đó đầu tư phát triển hợp lý. Nghĩa là bố trí các khu rừng sản xuất ở chu kỳ ngắn 3-4 năm và các khu rừng chu kỳ dài 15-20 năm, hình thành những cánh rừng gỗ lớn; quy hoạch xây dựng cơ sở chế biến gỗ phù hợp với thực tế.
Hỗ trợ tổ chức, cá nhân có năng lực về sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng, nhằm đưa vào sản xuất, thâm canh rừng; thực hiện tốt công tác chuyển giao công nghệ sản xuất giống, xây dựng các mô hình trồng rừng bằng giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây ăn quả hiệu quả kinh tế kém sang trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn đầu tư ban đầu cho nhân dân từ đó yên tâm phát triển sản xuất.
Tăng cường đào tạo tập huấn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông cơ sở, để tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)