Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm về pháo nổ
Thu giữ số lượng pháo lớn
Từ đầu đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, làm rõ 11 vụ, 17 đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ. Đồng thời vận động, thu hồi 560 quả pháo tự chế (tương đương 5,3 kg); 4,1 kg thuốc pháo; 1,5 kg nguyên liệu sản xuất pháo; 13 kg vỏ pháo tự cuốn, 1 bánh pháo tét, 1 bệ pháo hoa...
Theo đánh giá của Công an tỉnh, năm nay số vụ, số đối tượng vi phạm pháp luật về pháo nổ giảm so với cùng kỳ năm 2021, 2022 nhưng số lượng pháo thu được lại nhiều hơn (hơn 7,4 tấn). Các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu ngày càng manh động, tinh vi hơn. Trong các tháng 10, 11, 12/2022, các phòng chuyên môn của Công an tỉnh và công an huyện, TP liên tục phát hiện, làm rõ những vụ vận chuyển, tàng trữ pháo số lượng lớn.
Đơn cử, tháng 12/2022, Công an huyện Lục Ngạn và Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã phát hiện La Văn Hòa (SN 1988), trú tại thôn Sàng Bến, xã Tân Quang đang vận chuyển bằng xe máy 1 thùng caton có 10,5 kg pháo tại đường liên xã thuộc thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải (Lục Ngạn). Trước đó, cuối tháng 11/2022, Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) và Công an xã Hợp Thịnh (Hiệp Hoà) bắt quả tang 3 vụ, 3 đối tượng gồm: Nguyễn Đức Chính ở thôn Đồng Xứng, xã Việt Ngọc (Tân Yên); Ngô Văn Toàn, thôn Hà Nội, xã Đại Thành (Hiệp Hòa) và Lê Đức Mạnh ở phố Nỉ, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) có hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ với số lượng rất lớn.
![]() |
Cán bộ Công an và Đoàn Thanh niên xã Biển Động (Lục Ngạn) hướng dẫn hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ. |
Nhiều đối tượng đã học trên mạng xã hội tự sản xuất pháo để thu lợi bất chính. Vụ việc của đối tượng Ngô Văn Toàn ở xã Đại Thành là một ví dụ. Tại cơ quan công an, Toàn khai nhận, ban ngày vẫn đi làm công nhân tại một công ty ở huyện Sóc Sơn, tối về mới cuốn pháo trái phép. Thành phẩm được đối tượng này bán cho những thanh niên, công nhân trên địa bàn xã Hợp Thịnh và một số địa phương thuộc huyện Hiệp Hòa.
Được biết, để tự chế một dây pháo nổ, các đối tượng chỉ mất từ 100 - 200 nghìn đồng nhưng khi thành phẩm bán ra với giá trung bình từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/mét dây pháo. Trước khi giao dịch, các đối tượng chủ yếu liên hệ với khách hàng qua mạng xã hội rồi hẹn địa điểm chuyển hàng, nhận tiền.
Thường xuyên tuần tra, nắm chắc địa bàn
Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo nổ. Trong đó, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt ra quân tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về pháo nổ. Ở một số huyện như Lục Ngạn, Sơn Động, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên, Công an huyện đã chỉ đạo công an cơ sở triển khai sớm, thường xuyên tuần tra, kiểm soát; tham mưu thành lập các chốt kiểm soát trên các tuyến đường trọng yếu.
Đại úy Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng Công an xã Biển Động (Lục Ngạn) cho biết: “Đến nay, Công an xã đã hướng dẫn 97 hộ kinh doanh, 2.043 hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không buôn bán, sử dụng pháo nổ; xây dựng kế hoạch lập 10 chốt, 1 tổ lưu động tập trung vào tuyến quốc lộ 31”. Song song với đó, Công an xã tham mưu tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, hội nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook của các thôn; chỉ đạo cảnh sát khu vực nắm chắc tình hình địa bàn, thường xuyên tuần tra, gọi hỏi răn đe các đối tượng nghi vấn.
Theo điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ - CP của Chính phủ nêu rõ phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. Hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo trái phép có thể bị phạt tù từ 3 tháng - 15 năm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. |
Trao đổi với Trung tá Lê Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) được biết, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, TP phối hợp với UBND cấp xã xây dựng phương án tuần tra, kiểm soát bảo đảm ANTT; lập hàng nghìn chốt kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát hiện hành vi đốt pháo trái phép trước, trong và sau đêm Giao thừa. Các chốt có sự tham gia bí thư chi bộ, trưởng thôn, thôn đội trưởng, hội viên các hội, đoàn thể, nòng cốt là lực lượng công an.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương (nhất là chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an cấp xã) nếu buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để sẽ phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, TP.
Rà soát lại những địa phương có tình hình an ninh phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đốt pháo nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán để có biện pháp phòng ngừa như: Tăng cường lực lượng hỗ trợ tuần tra khép kín địa bàn. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền để mọi người dân, đơn vị hiểu và phân biệt rõ giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)