Nông thôn mới, đời sống mới: Kỳ 1- Những miền quê đáng sống
Đường rộng, thu nhập cao
Điều dễ nhận thấy nhất trong xây dựng NTM chính là hạ tầng giao thông. Hầu hết các tuyến đường thôn, xóm được “khoác” áo mới. 10 năm qua, toàn tỉnh cứng hóa hơn 7 nghìn km đường giao thông nông thôn (GTNT), riêng giai đoạn 2017-2019 có 4 nghìn km, bằng nhiều năm trước cộng lại.
![]() |
Đường về thôn Giếng, xã Tiên Lục (Lạng Giang) hôm nay. |
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi trở lại xã Tân Thịnh (Lạng Giang)- xã duy nhất của tỉnh được T.Ư chọn xây dựng điểm NTM trong toàn quốc năm 2009. Các tuyến đường xã, liên thôn, ngõ xóm, nội đồng của Tân Thịnh được cứng hóa với bề mặt 2,5m năm 2010 nay được nâng lên từ 3,5 đến hơn 7 m, vươn dài ra những cánh đồng tạo thuận lợi cho canh tác, giao thương, tiêu thụ sản phẩm. Bên tuyến đường rộng hơn 7 m dẫn vào thôn Đồng 2, hoa chiều tím khoe sắc dưới ánh nắng chan hòa. Cạnh đó, người dân tất bật chăm sóc rau, màu và thu được lợi nhuận lớn.
Khảo sát tại Việt Yên, địa phương đạt chuẩn huyện NTM đầu tiên của tỉnh cho thấy đường thôn, liên thôn, liên xã đều được trải nhựa áp phan hoặc đổ bê tông. Đây là hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Đến thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, tại sân nhà văn hóa thôn, các bà, các mẹ đang hào hứng tập múa dưỡng sinh chuẩn bị cho hội thi cấp tỉnh. Trò chuyện với khách, bà con tự hào “khoe” về sự giàu có, yên bình của quê hương mình.
Ngược lên một số xã của huyện miền núi Lục Ngạn, nhiều người không khỏi trầm trồ trước sự thay da đổi thịt của bản làng. Điển hình là thôn Ngọt (xã Hồng Giang). Khắp vùng, cây trái sum suê bên những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ. Ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Sán Dìu chia sẻ, nhà có một ha vải thiều, năm nay cho thu gần 12 tấn quả. Vải bán với giá bình quân 45-50 nghìn đồng/kg, ông thu về hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra ông còn nuôi hơn 1 nghìn đôi bồ câu, trồng nhiều loại cam, bưởi khác.
Về thăm thôn Ngọt và xã Thanh Hải trong tháng 6-2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng đánh giá cao kết quả xây dựng NTM của huyện Lục Ngạn nói chung và các xã Hồng Giang, Thanh Hải nói riêng. Đồng chí bày tỏ, dù đã nghe nói trước về hai xã nhưng chưa hình dung thôn xóm lại đẹp, yên bình, bà con có cuộc sống khá giả như vậy. Với nhiều nhà vườn, cây trái bao quanh, không khí trong lành, nơi đây quả là một miền quê đáng sống.
Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có hơn 100 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra trước 2 năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. |
Tổng hợp của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra trước 2 năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên rõ rệt, đến nay đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010 và gấp 1,7 lần so với năm 2015.
Nghị quyết sát thực, cách làm sáng tạo
Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, tỉnh có thuận lợi là một trong 11 địa phương được Ban Bí thư chỉ đạo làm điểm, tuy nhiên xuất phát điểm số tiêu chí bình quân mới đạt 7,2/19 tiêu chí/xã. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2015, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về NTM, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết và kế hoạch 5 năm, hàng năm thực hiện Chương trình, phát động phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM”.
Tiếp đến, rút kinh nghiệm, phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020, từ tỉnh đến cơ sở đã có sự tập trung hơn trong xây dựng NTM. Quan điểm chỉ đạo đã thay đổi mạnh mẽ theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng. Ví như, trước đây chủ yếu tập trung đầu tư vào xây dựng các công trình lớn của xã thì trong giai đoạn này đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân như: Làm đường GTNT; liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Từ thực tế triển khai, tỉnh đã chủ động ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá. Cụ thể, không quy định mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh quản lý cho các hạng mục công trình trong xây dựng NTM, giao quyền chủ động cho các địa phương.
Căn cứ chỉ đạo của cấp trên, các huyện, TP tích cực triển khai và chủ động ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ xã giao đạt chuẩn và thưởng công trình cho thôn, xã đạt chuẩn NTM.
![]() |
Người dân thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên) tập múa dưỡng sinh. |
Một số địa phương đã sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Huyện Việt Yên, Lạng Giang ban hành chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông; huyện Hiệp Hòa triển khai xây dựng NTM từ cấp thôn với phương châm “Từ đồng về nhà, từ nhà ra thôn, từ thôn lên xã”. Huyện Yên Dũng triển khai dồn điền, đổi thửa... Từ cách làm hay tại cơ sở, tỉnh đã ban hành các Nghị quyết toàn diện như: Làm đường GTNT; dồn điền đổi thửa; xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, huyện NTM.
Nhân lên tình đoàn kết, nâng cao trình độ canh tác
Nghị quyết thiết thực cộng với sự vào cuộc sát sao của cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân. Qua đó chung sức, đồng lòng trong xây dựng NTM.
Trong 10 năm qua đã có gần 50 nghìn hộ hiến hơn 300 ha đất các loại cùng 610 nghìn ngày công lao động. Gia đình ông Ngô Quốc Hội, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) ủng hộ hơn 19,8 tỷ đồng xây dựng trường học, công trình công cộng. Hộ ông Hoàng Văn Châu, xã Xuân Lương (Yên Thế) hiến 2 nghìn m2 đất mở rộng trường mầm non và đường liên xã.
Đó là những “bông hoa” điển hình trong xây dựng NTM của tỉnh. Từ đó, ở hầu khắp xóm, làng, đâu đâu bà con cũng đóng góp làm đường giao thông ngoài hỗ trợ từ ngân sách. Ở Lục Ngạn có thôn còn góp tiền hỗ trợ thôn lân cận làm đường, tăng tình đoàn kết xóm làng.
Không chỉ chung sức xây dựng NTM, trình độ canh tác của người dân có bước tiến vượt bậc nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Diện tích canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP ngày càng tăng. Bắc Giang hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh cao dựa trên thế mạnh địa phương. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh năm nay ước đạt hơn 105 triệu đồng/ha/năm, tăng 56,5 triệu đồng so với năm 2010.
Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)