Nơi xa vẫn hướng về quê mẹ
Tết trực tuyến
Đã cái Tết thứ ba anh Thái Thái Sơn (SN 1995), phường Trần Phú (TP Bắc Giang) ở lại Hàn Quốc. Anh đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Quốc gia Incheon, cách Thủ đô Seoul chừng 50 km và cố gắng hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ ngành cơ khí.
![]() |
Anh Thái Thái Sơn - nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc.
|
Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Kỹ thuật hàng không, Khoa Cơ khí điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2018, anh được nhận học bổng toàn phần chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Quốc gia Incheon. Anh là một trong những sinh viên đầu tiên được chọn đi nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc về chuyên ngành này.
Những ngày giáp Tết cổ truyền cũng như nhiều người con xa quê hương, trong bộn bề công việc, anh Sơn vẫn luôn nhớ về bữa cơm tất niên sum họp gia đình. Tết này, anh không thể về nước và cũng không tụ họp cùng bạn bè đón Tết nơi đất khách bởi dịch bệnh ở Hàn Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Ký túc xá của nhà trường cũng liên tục phát hiện một số ca bệnh. Gần hai năm nay, nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến.
Trường Đại học Quốc gia Incheon có 20 người Việt Nam đang học tập. Năm đầu tiên khi mới sang đây, anh và các bạn người Việt cùng nhau trang trí phòng ở, gói bánh chưng, nấu những món ăn truyền thống đón Tết. Không khí chung vui làm cho anh và mọi người cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Tết này, các anh dự định sẽ tổ chức đón Giao thừa trực tuyến qua điện thoại. Chương trình cũng được lên kế hoạch công phu như tổ chức giao lưu trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu khoa học, thỉnh thoảng xen kẽ vài tiết mục văn nghệ tạo không khí gần gũi, thân thiện. Nhà trường cho du học sinh Việt Nam nghỉ 3 ngày Tết. Sau kỳ nghỉ Tết, anh sẽ tập trung cao hoàn thiện luận án để đăng ký bảo vệ vào tháng 10/2022.
Chia sẻ với đồng bào
Từ thành phố cảng Odessa, đất nước Ucraina xa xôi, chị Trần An Mơ (SN 1973), phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cũng khao khát về quê ăn Tết nhưng không thể vì dịch Covid-19. Chị Mơ sinh sống, làm nghề kinh doanh ở đây đã được 24 năm. Khu Làng Sen-nơi chị ở có hơn 200 người quê Bắc Giang. Chị Mơ chia sẻ, múi giờ của Ucraina kém Việt Nam 4 tiếng nên vào thời khắc Giao thừa, cộng đồng người Việt Nam ở Odessa cũng đón Tết như ở Việt Nam.
![]() |
Chị Trần An Mơ hạnh phúc bên gia đình trong ngày Tết. |
Các gia đình thắp hương cúng tổ tiên, chào đón năm mới. Ngày mùng một Tết, mọi người nghỉ ở nhà và đến nhà nhau chúc mừng. Ngày mùng hai, mọi hoạt động buôn bán, kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại của người Việt lại diễn ra bình thường.
Dù xa quê nhưng mọi người vẫn cảm nhận không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Mâm cỗ ngày Tết đầy đủ các món: Bánh chưng, măng, miến, dưa hành, giò, gà… Trong nhà ai nấy đều trang trí mai, đào, quất. Trên bàn thờ có mâm ngũ quả, thoang thoảng mùi hương trầm, cảm giác rất ấm cúng.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang, mỗi lần đọc tin tức thấy các ca bệnh liên tiếp tăng, nhiều người xa quê trào dâng niềm thương cảm. Bản thân chị Mơ và cộng đồng người Bắc Giang ở Odessa đã đứng ra vận động một số chị em ủng hộ và chuyển 80 triệu đồng vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Mặc dù số tiền không lớn nhưng thể hiện tình cảm, tấm lòng của những người con đi làm ăn xa hướng về quê hương.
Đùm bọc, yêu thương
Chị Hoàng Thị Hải (SN 1984), xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đi xuất khẩu lao động ở đảo Síp năm nay không về quê ăn Tết do dịch vẫn diễn biến phức tạp. Chị Hải sang đảo Síp đã được 14 năm. Tết gần nhất chị được sum họp với gia đình vào năm 2018. Hiện ở đảo Síp có khoảng 8 nghìn lao động Việt Nam, trong đó người Bắc Giang chiếm tới 80%, chủ yếu là phụ nữ quê ở các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng.
![]() |
Chị Hoàng Thị Hải mừng sinh nhật các cụ chủ nhà. |
Mọi người làm nhiều nghề, như: Giúp việc gia đình, lao động trong trang trại, làm ở lò mổ gia súc... Công việc của chị Hải là chăm sóc vợ chồng các cụ già. Sống chung dưới một mái nhà, dù không phải ruột thịt song chị Hải coi các cụ như người thân của mình, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ.
14 năm sinh sống ở xứ người, chị Hải giúp việc cho 4 gia đình, chăm sóc 6 cụ già, hầu hết từ 90 tuổi trở lên. Vốn là người chịu thương, chịu khó, giàu tình cảm nên chị Hải được các chủ nhà quý mến, coi chị như người thân trong gia đình. Hiện chị Hải đang chăm sóc 2 vợ chồng người cao tuổi (cụ ông 95 tuổi, cụ bà 93 tuổi).
Do dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty, nhà máy, trung tâm thương mại, cửa hàng ở đảo Síp hoạt động cầm chừng, đóng cửa nên thu nhập của người lao động ảnh hưởng theo. Một số lao động quê Bắc Giang lâm vào hoàn cảnh khó khăn (ốm đau, bệnh tật, không có việc làm). Cùng cảnh làm thuê, thấu hiểu khó khăn của họ, chị Hải và nhiều người quê Bắc Giang đã đứng ra vận động, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ về tài chính, động viên gắng vượt qua.
Theo chị Hải, xa quê song cộng đồng người Việt Nam ở đảo Síp vẫn tổ chức đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Đêm Giao thừa, mọi người thường tập trung thắp hương Giao thừa và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Hát đối đáp, hái hoa dân chủ, thi trang phục... "Người Việt Nam ở xa Tổ quốc nhưng lòng vẫn hướng về quê hương; luôn gìn giữ phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc", chị Hải chia sẻ.
Công Doanh - Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)