Nỗi niềm lau trắng
![]() |
Minh họa: Đinh Hương |
Cô Huyền và mẹ tôi là bạn đồng hương, cùng lập nghiệp nơi xa nên chị em bao bọc nhau từ lúc còn khó khăn. Sau này, cô Huyền lấy chú Khái và mẹ tôi lấy bố thì hai gia đình còn gắn bó, thân thiết hơn nữa. Có lẽ, chính vì trải qua bao sóng gió, vui buồn của cuộc sống, nhận được những ân tình từ nhau và nể trọng bố mẹ tôi lắm nên cô chú nhận tôi làm con dâu ngay từ khi còn là cô bé ngây ngô.
Mẹ tôi bảo, hồi trẻ cô Huyền rất đẹp, đẹp đến mức đàn bà đứng trước mặt cô cũng bị rung động. Gương mặt thanh tú, đôi mắt to đen, mái tóc mềm mượt của cô khiến bao chàng trai mất ăn mất ngủ. Nhưng cô chọn chú Khái, đơn giản vì cô ngưỡng mộ chú học giỏi. Lấy nhau bằng một tình yêu say đắm, tình cảm vợ chồng đang mặn nồng thì đùng cái, chú được cử sang trời Âu học tập.
Mấy ai có cơ hội phát triển như vậy, dù lưu luyến người vợ trẻ xinh đẹp song chú vẫn xách hành lý lên đường. Đi du học trong diện được Nhà nước cử, sau này trở về, chú sẽ ung dung ngồi vào một vị trí nào đó, chẳng phải lo lắng về công việc, con đường thăng tiến. Cô chú bịn rịn, thề non hẹn biển, cố gắng hy sinh ngày tháng ít ỏi trong xa cách vì một tương lai rộng mở phía trước.
Chú đi được thời gian ngắn thì cô phát hiện mình có thai. Đêm hôm một mình trong căn phòng tập thể chật chội thời bao cấp, giờ nối giờ, ngày nối ngày, tháng nối tháng… dài lê thê. Băng qua khoảng thời gian đó một mình đã khó khăn, nhưng sau khi sinh, một mình chăm sóc đứa bé còi cọc, ốm yếu còn khó khăn hơn nhiều. Lúc mẹ con cô chới với, bố mẹ tôi đã ở bên cạnh, là nơi tin tưởng để cô chú cậy nhờ. Tình cảm cô chú dành cho bố mẹ tôi có cả lòng biết ơn. Và hơn ai hết, bố mẹ tôi hiểu rành rẽ câu chuyện của cô chú.
Chú đi xa, cô thiếu bờ vai nương tựa nhưng được cái đồ đạc, hàng hóa, chú đều đều gửi về nước cho cô bán nên không phải lo lắng nhiều về kinh tế. Mẹ chú có ra ít bữa để trông nom cháu nội, đỡ đần con dâu. Khi cháu trai đã ngủ ngoan thì bà khẽ khàng trở dậy, mở cửa ra hiên hóng mát. Dưới ngọn đèn lờ nhờ, yếu ớt, bà ngồi dõi mắt ra phía đồng lau.
Những vạt lau dạt bên này xô bên kia, theo làn sóng mấp mô lên xuống. Bà nghe loáng thoáng người làng bàn tán rằng con dâu bà cặp kè với một người đàn ông khác. Bà quặm môi, tối sầm mặt mũi đi vào nhà, lòng như bốc lửa ngùn ngụt. Cả ngày hôm sau, bà chẳng nói chẳng rằng với con dâu, cầm bát đĩa thì xô xoảng. Cô Huyền thấy thái độ bà đổi khác nên hỏi ngay, nhưng mẹ chồng cứ bóng gió xa xôi nên cô đã không hiểu.
Thời gian sau, khi nghe được cuộc điện của bà với chồng, cô mới giật thót mình. Cô ra sức giải thích với bà, rằng bà đã nghĩ oan cho cô, nhưng bà bĩu môi, quay đi trách móc con dâu, chồng thì bận bịu, vất vả nơi xa để chu cấp cho đầy đủ rồi ở nhà phởn mỡ. Nuốt nỗi oan ức vào lòng, cô mong mỏi từng ngày chồng trở về để có người bênh vực, che chở cho mình. Đúng là khi chú Khái đi xa, có không ít ánh mắt quan tâm, tán tỉnh cô. Nhưng cô chưa làm sai điều gì, sao cô phải sợ.
Chú vừa về nước, đại gia đình họp ngay tức tốc. Vợ chồng chưa gần gũi đã đối diện với nhau trong không khí căng thẳng. Mẹ chồng yêu cầu tức tốc họp gia đình, mặt ai cũng đằng đằng sát khí như chỉ trực chờ giây phút bóc mẽ kẻ có tội. Bà trịnh trọng tuyên bố lý do họp gia đình, yêu cầu cô phải nhận sai và nói lời xin lỗi trước mặt già trẻ trong nhà thì bà mới xem xét, tha thứ được. Cô sững sờ, ngân ngấn nước mắt, nhìn chồng cầu cứu. Cô không thể là người ngoại tình như lời mẹ chồng nói.
Cô lí nhí: “Mẹ dựa vào đâu nói thế? Mẹ có chứng cứ không ạ?” Bà đanh mặt lặng thinh. Chồng là sợi dây duy nhất để cô bám víu đã quay hướng khác, không nêu ý kiến gì. Có nghĩa là chồng cô đồng tình với mẹ mình. Chắc bà đã rào trước với con trai. Cô sốc thực sự và không tin sau từng ấy năm tháng nhẫn nhịn chờ đợi, cô lại phải mất chồng trong nỗi uất ức, vô lý như thế. Cô không tin nổi thái độ của chồng mình? Hay là, người ta xa mặt cách lòng. Hay là, đây chỉ là cơn cớ đúng lúc, cho chồng rũ bỏ cô.
Mẹ tôi khuyên cô Huyền, nói đại lời xin lỗi để gia đình ấm êm, bà nội cũng chỉ cần có thế, rồi đâu sẽ vào đấy. Không bao giờ, cô sẽ không đời nào nói lời xin lỗi, bởi vì cô đâu có lỗi. Cô hận người chồng đã vô tình, không tin tưởng, không chịu tìm hiểu đầu đuôi sự việc mà quay lưng, phụ tình yêu, lòng chung thủy của cô. Bố mẹ tôi tìm gặp chú khuyên răn, rồi lại tìm gặp cô thuyết phục. Nhưng tất cả như là số phận, không tài nào lay chuyển, hàn gắn được hai người.
Cô chú chia tay. Chú Khái ở lại Thủ đô nhận vị trí làm việc mới. Nghe đâu chú làm bên lĩnh vực giáo dục và sau khi về nước chú lên chức vèo vèo. Cô Huyền vẫn ở huyện, sống trong căn nhà của khu tập thể cùng con trai. Mẹ chồng khi nghi ngờ cô bồ bịch đã mỉa mai, chắc gì thằng ấy đã là cháu đích tôn của bà. Cơ mà càng lớn, con trai lại càng giống bố như đúc. Dù chú Khái quay lưng với cô Huyền nhưng không dám chối bỏ gương mặt kia vì nó giống hệt mình. Chú chu cấp đầy đủ cho con trai mỗi tháng. Cô cũng chả tội gì từ chối, đứa trẻ đích thị là con chú, chú phải có trách nhiệm với nó, hơn nữa, dù hận chú, cô không thể ngăn cách tình cảm cha con.
Anh Hưng chính là con chung của cô chú, sinh ra đã thiếu thốn tình cảm của bố. Và lớn lên, cũng không ở cùng nhà nên anh luôn thấy bố lạ lẫm lắm. Thỉnh thoảng vào mùa hè, anh được đón lên Thủ đô, đến nhà bố chơi vài hôm. Bố anh có vợ mới. Nhưng vợ hai của bố sinh được toàn con gái nên anh Hưng vẫn là con trai duy nhất trong gia đình, là thằng cháu đích tôn, nối dõi tông đường mà đến bà nội dù ghê gớm cũng phải nhún mềm, yêu chiều hết mực.
Còn trong con mắt anh Hưng, cách đối xử của bố với mình để hoàn thành nghĩa vụ. Thứ chú Khái chu cấp được đầy đủ cho con trai chỉ là tiền. Còn cô Huyền, bao nhiêu tình yêu thương trong trái tim cô dành hết cho con, tình yêu duy nhất của đời mình. Anh Hưng đòi gì, muốn gì cô cũng gật. Giữa đầy rẫy cạm bẫy gọi mời, ngoài việc ăn chơi, phá phách, anh Hưng chả biết làm gì.
Sau cả quãng thời gian ngỗ nghịch, tốn bao nước mắt, công sức, tiền của, chạy vạy thì anh Hưng cũng lấy được tấm bằng cấp 3. Chú Khái bàn bạc, xin ý kiến bố tôi có nên cho anh Hưng học tiếp không. Bố tôi dứt khoát, phải tìm cách cho anh học nốt đại học. Khổ nỗi, với học lực quá yếu như anh thì làm sao thi nổi. Mắt ông sáng rực, đầu ông lóe một ý tưởng, bố tôi xui chú Khái xin cho anh Hưng vào xuất ngoại giao, sang Lào du học. Với chú Khái thì việc ấy chả có gì quá khó.
Đi học một thời gian trở về thăm nhà, anh Hưng có vẻ chững chạc hơn, anh mua quà xuống thăm bố mẹ tôi. Anh em chơi với nhau từ bé, tôi luôn coi anh là người anh thực sự. Trong nhà, tôi thân với anh hơn cả. Mỗi lần gặp, anh hay ôm vai hoặc cốc đầu tôi đau điếng, kiểu như tôi luôn là con nít trong mắt anh. Anh học năm thứ hai đại học thì có bạn gái, cứ về nhà là anh phóng xe qua đón tôi để hai anh em cùng đến nhà bạn gái chơi.
Anh Hưng chia tay bạn gái thứ nhất, đến với bạn gái thứ hai, rồi thứ ba. Tự tôi nhận xét, các chị người yêu hơi bị được, sắc chưa phải nghiêng nước nghiêng thành, nhưng tính cách khá tốt. Với độ ăn chơi, lêu lổng của anh (như người lớn nhận xét), thì ai cũng ngạc nhiên khi anh thuyết phục được các cô gái như thế. Chị nào cũng ngoan lành, yêu anh thực lòng. Mỗi lần chia tay, tôi không thấy anh buồn lắm, chỉ có tôi tiếc nuối cho anh.
Anh Hưng cười ha hả trước thái độ của tôi. Anh bảo chưa thấy ai ngốc như đứa em này. Thoắt cái, anh nhấn ga phóng thật nhanh, phanh đột ngột, người tôi chúi xuống phía trước, ôm chặt lấy anh, tôi la toáng lên vì sợ hãi. Sau quãng đường dài hành hạ tôi khổ sở, thì anh cũng dừng lại ở quán nước ven đường. Anh tu một hơi hết cốc nước, xong cứ ngồi trầm ngâm. Hiếm khi anh như vậy.
Tôi không giận anh thì thôi, chả nhẽ anh giận tôi. Mắt trầm buồn nhìn xa xăm, lơ đãng, anh nói vừa đủ để tôi nghe thấy: “Mỗi lần anh về nhà, mẹ anh đều giục anh xuống chơi với em. Mẹ anh bảo, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, mà anh cũng thích em nữa”. Tôi kinh ngạc, lời anh nói làm tâm trí tôi choáng váng hơn cả lúc anh phóng nhanh, phanh đột ngột. Tôi bối rối đến đơ ra, không biết nói gì, đáp gì. Vì suốt từ khi anh bước vào chuyện yêu đương đến giờ, tôi vẫn đi bên cạnh mà. Sao giờ anh lại nói thế.
Tạm biệt cô Huyền ra về, lòng tôi trĩu xuống vì thương cô xiết bao. Cuộc đời con người như chuyến tàu, thoáng chốc là về tới bến. Phải chăng, chính những lựa chọn của chúng ta sẽ vẽ ra một con đường mang tên là số phận cho bản thân mình. Đôi mắt tôi hướng ra khoảng mênh mông, cố ngắm một lần nữa cánh đồng toàn lau trắng muốt, những bông lau mang bao nỗi niềm, tâm sự của cô ở góc nhỏ hiu quạnh ấy. |
Thực thì tôi luôn coi anh là anh trai. Chúng tôi thân thiết tới mức, anh có thể khoác vai, ôm tôi một cách tự nhiên. Chưa bao giờ tôi mảy may nghĩ đến tình huống này. Khoảng lặng trôi qua, tôi không biết nói gì nhưng cũng không thể không nói gì, môi tôi mấp máy: “Em…em…”. Anh phất tay: “Thôi, thôi, anh biết rồi, em gái làm sao thích anh trai được. Tại mẹ anh đấy”. Anh thản nhiên như chưa có chuyện gì và không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.
Hôm anh Hưng cưới vợ, cô Huyền nắm chặt tay mẹ tôi rưng rưng: “May mắn làm sao chị ạ, giờ nó có công việc ổn định, yên bề gia thất, em không còn phải lo lắng nhiều rồi”. Đôi mắt long lanh hạnh phúc của cô khiến cả mẹ tôi và tôi rất xúc động. Anh Hưng thuê một căn chung cư ở Thủ đô và đón mẹ lên ở cùng để trông nom nhà cửa, cơm nước.
Cô Huyền vui lắm vì từ trước đến giờ chỉ nương vào tình yêu với con trai mà sống, giờ không ở cùng nó thì ở với ai. Thật chẳng ngờ, cô con dâu xinh xắn luôn hậm hực với mẹ chồng. Cô Huyền nhớ đến phận làm dâu nhiều đắng cay, tủi hờn của mình, nên dù không vừa ý con dâu thì vẫn cố bỏ qua, mà càng ngày con dâu càng quá đáng. Lấy nhau mấy năm, vợ anh Hưng không có khả năng sinh đẻ, cô Huyền nào dám đả động đến chuyện muốn có cháu bế. Vợ chồng cãi vã đến mỏi mệt thì anh Hưng quay xe đi uống rượu thâu đêm tới sáng. Cuộc hôn nhân không cứu vãn được nên cuối cùng đường ai nấy đi.
Anh Hưng cưới vợ hai. Cô Huyền lại sụt sùi trong phòng với mẹ tôi: “Em chỉ sợ thiên hạ nói ra nói vào, bố nó đã hai vợ, giờ lại đến lượt con trai… Em khổ tâm lắm chị à! Giá hồi xưa nó yêu được cái Ý nhà chị thì đã không đến nông nỗi này”. Mẹ tôi vỗ vai cô Huyền an ủi: “Cô cứ cả nghĩ, chứ nó nào muốn thế đâu. Thôi, giờ chắc ổn rồi”. Anh Hưng có vẻ rất tâm đầu ý hợp với vợ thứ hai. Chị này ngọt ngào, nói như rót mật vào tai nên bảo gì chồng nghe nấy. Cô Huyền phấn chấn, mừng thầm vì nghĩ, có vợ bảo ban, anh Hưng sẽ tu chí làm ăn.
Mẹ tôi thỉnh thoảng lại thở dài, nhắc chuyện hồi xưa. Giá như cô Huyền bỏ bớt cái tôi đi mà nhẫn nhịn, giải thích cho chú Khái nghe. Giá như chú Khái bình tĩnh, cho vợ đủ thời gian để giãi bày, thì gia đình đâu đến nông nỗi…
*
Sau vài tiếng gọi của tôi thì cánh cửa đã mở he hé.
- Cô! Cháu Ý đây mà. Cô nhận ra cháu không?
- Ôi, cái con bé này. Lâu lắm chả về thăm cô, vào đây cháu.
Cô Huyền mừng rỡ và có hơi bất ngờ khi nhìn thấy tôi. Tôi về quê thăm cô vì nghe mẹ nói chuyện cô đang ốm, phiền muộn nhiều với vợ chồng anh Hưng. Cô Huyền kém tuổi mẹ tôi mà giờ ngày nào cũng phải dùng thuốc rất tốn kém. Đã thế, con trai đều đặn gọi điện về bòn tiền mẹ, với lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai vợ chồng bị cắt giảm lương, không có tiền chi tiêu. Anh Hưng đang đề nghị cô bán gấp căn nhà này nhưng nhất quyết cô không bán.
Cô Huyền đi vào phòng trong pha trà. Tôi ngồi nhìn quanh và dừng mắt phía bức ảnh đen trắng trên tường. Bức chân dung mà tôi đã say ngắm từ hồi bé. Tôi vẫn thắc mắc, không hiểu tại sao một người đàn bà đẹp thế, cuộc đời lại vất vả, cô quạnh nhường vậy.
- Cháu thích bức chân dung này của cô lắm ấy, ngắm mãi không chán cô ạ.
Cô Huyền bưng ấm trà ra. Tay run run rót nước, cất giọng khàn đục của người đang ốm:
- Ừ, bức này cô chụp trước khi cưới. Anh thợ chụp ưng hình cô, mãi sau này còn cứ tìm đến gạ cô làm mẫu mà cô không chịu ấy. Bây giờ già yếu, nhìn lại mới tiếc tuổi xuân cháu ạ.
Cô khẽ thở dài:
- Cuộc đời cô có nhiều nuối tiếc, nhưng thời gian trôi đi rồi, không làm lại được. Giờ tuổi già ập đến thì chỉ biết ngậm ngùi thôi.
- Cô đang ốm nên mới nói thế. Chứ vài hôm nữa cô khỏe, lại như gái đôi mươi ngay cô ạ.
Tôi động viên cho cô vui. Cô Huyền ngậm ngùi nhìn tôi:
- Chú Khái bỏ vợ hai rồi cháu ạ. Nghĩ cũng tội, đến già lại lọ mọ một mình. Thằng Hưng hôm rồi về đây, bắt cô bán khu đất này, nhưng cô còn lừng khừng…
Tôi định nói lại những lời của mẹ, rồi lại thôi. Thật khó để khuyên cô Huyền nên làm thế nào. Mẹ tôi nói có lý, nhưng cô Huyền sao có thể ở mãi một mình, có mỗi mụn con trai, không ở với con thì ở với ai.
Tạm biệt cô Huyền ra về, lòng tôi trĩu xuống vì thương cô xiết bao. Cuộc đời con người như chuyến tàu, thoáng chốc là về tới bến. Phải chăng, chính những lựa chọn của chúng ta sẽ vẽ ra một con đường mang tên là số phận cho bản thân mình. Đôi mắt tôi hướng ra khoảng mênh mông, cố ngắm một lần nữa cánh đồng toàn lau trắng muốt, những bông lau mang bao nỗi niềm, tâm sự của cô ở góc nhỏ hiu quạnh ấy.
Truyện ngắn của Trần Ngọc Mỹ
Ý kiến bạn đọc (0)