Nỗi ân hận muộn màng
Mẹ vừa mở tủ lấy quần áo vừa nói: “Đến thăm nhà bác Quang. Bác ấy bị tai nạn hơn tuần nay rồi. Mẹ bận quá chưa lên thăm được”. “Bác Quang nào hả mẹ? Tôi ngơ ngác tiếp tục hỏi”. “Bác Quang bạn của mẹ từ ngày còn dạy ở trên Thanh Sơn đó”.
Ôi dào, bạn từ đời nảo đời nào mà mẹ vẫn còn thăm với nom! Tôi chép miệng nghĩ vậy và nhấm nhẳng nói: “Con đang vội giải bài toán này cho kịp hoàn chỉnh bài thực tập. Để mai đi được không mẹ?”. “Không - Mẹ nói dứt khoát - Mẹ khất lần khất nữa hơn tuần nay rồi. Lúc bác ấy tai nạn không lên thăm để đến khi khỏi mới thăm thì còn ra gì nữa? Với lại, mai mẹ còn bận lên lớp dạy kèm môn văn cho mấy đứa học kém. Thi cử đến nơi rồi. Thôi, bỏ đấy. Đi với mẹ một lúc đã”.
Dường như không để cho tôi chối từ nữa, mẹ vẫn tiếp tục sửa soạn để đi. Tôi miễn cưỡng thoát máy.
![]() |
Minh họa: ĐINH HƯƠNG |
Tôi là sinh viên đại học, khoa kinh tế. Kỳ này, nhà trường cho mười ngày đi thực tế để thực tập hết học phần. Tôi chọn mấy công ty tại quê để vừa được về nhà, ở với mẹ lại vừa có điều kiện thuận lợi hơn trong việc khảo sát nghiên cứu tình hình. Sau mấy ngày thu thập số liệu, tôi lao vào viết luận văn tốt nghiệp.
Nhớ lại hồi học phổ thông, tôi ghét môn văn lắm, mặc dù mẹ là giáo viên dạy văn. Mẹ thường khuyên tôi: “Muốn làm gì thì làm, trước hết phải làm người đã con ạ. Học văn là học làm người. Môn văn giúp cho con nên người, con hãy cố gắng mà học nó”. Tôi ậm ừ: “Thời đại công nghiệp, tin học, phải học những môn thiết thực đã mẹ ạ. Chẳng học văn cũng làm người được, có sao? Với lại bây giờ người ta phấn đấu trở thành ông chủ cơ!”. Mẹ nhìn tôi lắc đầu.
Quả thực, tôi đỗ tốt nghiệp phổ thông với môn văn vừa đủ số điểm cần thiết để qua cửa ải. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Rồi kết quả học đại học của tôi được nhà trường thường xuyên thông báo về cho mẹ, trong đó những môn xã hội vẫn lẹt đẹt lắm. Mặc dù các môn chuyên môn tôi đều đạt loại khá trở lên nhưng xem ra mẹ vẫn có vẻ không vui. Khi mẹ hỏi tôi về một vài truyền thuyết dân gian, vài nhân vật lịch sử của đất nước, tình hình thời sự trong nước và quốc tế… thấy tôi ngơ ngác thì mẹ thất vọng thực sự. Mẹ nhắc tôi cần xem lại cách học để hoàn thiện con người. Tôi cho mẹ là lẩm cẩm. Vừa truy cập Internet tôi vừa huýt sáo một bản nhạc hải ngoại chẳng để ý thấy mẹ đang ngồi thừ nhìn tôi như nhìn một kẻ xa lạ.
***
Hai mẹ con tôi lên xe máy nhằm phố huyện thẳng tiến. Tôi chỉ muốn nhanh cho xong cái việc này để về làm nốt việc của mình. Thực lòng, tôi cũng chẳng quan tâm lắm về cái bác Quang nào đó. Chỉ biết vì bác ấy mà tôi mất cả hứng làm bài. Còn mẹ tôi ngồi sau xe thì vẫn luôn mồm kể về người bạn năm xưa. Tiếng xe máy nổ, tiếng gió ù ù cộng với cảnh nhộn nhịp của mọi người dạo chơi buổi tối khiến tôi gần như bỏ ngoài tai những lời mẹ kể.
Đến phố huyện, sau khi dừng lại ít phút mua gói quà, hai mẹ con tôi tìm đến nhà bác Quang. Khách trong nhà bác khá đông. Bộ bàn ghế giữa nhà, chiếc giường gian bên cạnh chật kín người. Gương mặt người nào người ấy có vẻ lo lắng lắm. Hai mẹ con tôi rón rén vào nhà.
“Mẹ cha chúng nó chứ, gây tai nạn cho người ta như thế rồi bỏ chạy. Thế mà gọi là người à?”. Tiếng một ông nào đó ở giường bên vang lên. Rồi người ta xì xào bàn tán: “Đúng là đồ vô lương tâm. Bắt được chúng nó thì cho rũ tù”. “Thanh niên gì mà ngổ ngáo thế không biết. Người ta đi bộ ven đường mà cũng lao xe máy vào?”. “May mà chỉ bị gãy tay, không thì…”. “Gãy tay cũng chết rồi. Tuổi ông ấy thì cũng phải nằm hàng tháng”.
Tôi xách gói quà theo mẹ đến bên người bị nạn. Ông nằm quay mặt vào trong ở giường kế bên. Đầu và tay ông băng kín. Mẹ tôi lấy tay chạm khẽ vào ông và gọi: “Bác Quang. Sao lại đến nông nỗi này?”. Ông vẫn không nhúc nhích. Mẹ tôi lại khẽ lay lay ông: “Bác Quang, em và cháu Tùng đến thăm bác đây. Bác không sao chứ?”. Bác Quang quay đầu lại nhìn hai mẹ con tôi.
Tôi sững người, thót tim, suýt nữa thì đánh rơi gói quà. Mẹ tôi vồ vập: “Nghe tin bác bị nạn tuần nay rồi nhưng em bận lớp học quá không lên thăm bác được. Hôm nay, tiện có cháu Tùng về thực tập, em bảo cháu đưa lên thăm bác. Bác có nặng lắm không?”. “Cảm ơn cô - Bác Quang thều thào - Bị gãy tay và sướt trán tí thôi. Không sao đâu”. “Rõ khổ - Mẹ tôi than thở - Xe với cộ, chẳng biết chúng nó đi đứng thế nào mà quệt vào bác cơ chứ? Thế không bắt được bọn chúng hả bác?"
Mẹ nhắc tôi cần xem lại cách học để hoàn thiện con người. Mẹ thường khuyên tôi: “Muốn làm gì thì làm, trước hết phải làm người đã con ạ. Học văn là học làm người. Môn văn giúp cho con nên người, con hãy cố gắng mà học nó”. |
Bác Quang thoáng nhìn tôi, lắc đầu. Mẹ tôi thở dài, an ủi: “Thôi, không chết là may rồi. Có phúc có phần, vài hôm lại khỏi bác ạ”. Bác Quang mỉm cười gật đầu. Rồi chừng như nhớ ra tôi đứng bên, mẹ xởi lởi: “Cháu Tùng của bác đây này. Con. Đưa quà cho bác đi!”. Tôi lóng ngóng đặt gói quà lên chiếc tủ đầu giường. Bác khẽ nhoẻn miệng cười: “Cô cứ bày vẽ. Đến thăm tôi là quý rồi - Quay sang tôi, bác nói - Lớn quá rồi nhỉ? Giống bố như đúc. Học lớp mấy rồi cháu?”. “Dạ… Cháu đang học đại học ạ!”. Tôi lí nhí trả lời. “Đại học rồi cơ à? Giỏi! Cố mà học cháu nhé!”.
Mẹ tôi chợt nhớ ra điều gì chạy ra ngoài nói chuyện với bác gái. Lúc này mọi người đến thăm cũng đã về hết. Chỉ còn tôi với bác Quang bên nhau. Bác ân cần: “Cháu không sao chứ?”.
Tôi giật thót tim. Tai như ù đi. Mãi sau tôi mới lại lí nhí: “Dạ… Không… không sao bác ạ”. “Thế là tốt rồi. Lần sau nhớ cẩn thận hơn nghe cháu”. “Dạ… Vâng…. vâng ạ! Cháu… cháu…”. Vừa lúc mẹ tôi trở lại cáo từ ra về. “Thôi, bác yên tâm điều trị, mẹ con em xin phép về kẻo khuya. Vài hôm nữa em lại lên thăm”.
Bác Quang khẽ gật đầu. Tôi luống cuống nhìn bác. Bác mỉm cười ý nhị: “Cháu đưa mẹ cháu về cẩn thận. Yên tâm mà học hành. Đừng phụ công mẹ cháu, nghe chưa?”. Hai chân tôi líu ríu nửa như muốn đi nửa như muốn ở lại. Miệng tôi lúng ba lúng búng định nói điều gì mà mãi không nói được. Sau, mẹ phải kéo tôi, giục về, tôi mới ra khỏi nhà bác.
Khi đã yên vị trên xe, tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, thế bác Quang với mẹ là bạn thế nào?”. “À, dạo mẹ dạy học trên Thanh Sơn, mẹ ở nhờ nhà bác ấy. Gia đình bác quý mẹ lắm. Lần mẹ bị tai nạn không có bác ấy thì gay”. “Tai nạn thế nào hả mẹ?”. Không như lúc đi, lần này tôi chăm chú lắng nghe mẹ kể.
“Hồi ở nhờ nhà bác Quang, đâu hai năm thì phải, mẹ bị chết đuối hụt, bác Quang đã cứu sống mẹ. Rồi những ngày ngã nước, ốm liệt giường cả nhà bác ấy chăm sóc mẹ như người thân trong gia đình. Hết hạn công tác vùng cao, bố con xin chuyển mẹ về đây. Mẹ vẫn không quên ơn bác ấy. Thế rồi năm kia, gia đình bác ấy chuyển về dưới này mẹ mới có dịp đi lại với gia đình nhà bác. Bác ấy tốt lắm. Mấy tháng trước mẹ phải vay tiền bác ấy nộp học cho con đó. Thế mà già rồi lại gặp tai nạn mới khổ chứ?”.
Người tôi như mụ đi. Trời ơi! Sao lại đến nông nỗi này cơ chứ? Tôi chẳng hỏi thêm gì nữa đành cứ giữ ga cho chiếc xe chạy trên đường và nghe những lời thì thầm của mẹ. Về đến nhà đã hơn chín giờ tối. Tôi ngồi bần thần mãi chẳng xem vô tuyến cũng chẳng làm bài. Thỉnh thoảng tôi buông tiếng thở dài. Mẹ tôi thấy lạ hỏi: “Thế con không làm bài nữa à? Sao bảo vội lắm cơ mà?”. Tôi ậm ừ: “Dạ… Con chẳng thiết nữa mẹ ạ”. “Sao thế con? Mệt à?”. Mẹ tôi lo lắng hỏi dồn. “Dạ… Không ạ!”. Và tôi lại thở dài như chực khóc. Mẹ tôi hoảng thực sự: “Đúng là con mệt thật rồi. Tại học quá sức đấy. Để mẹ pha cốc nước chanh đường cho con uống nhé”. “Không cần đâu mẹ ạ”. Tôi vội ngăn mẹ. Miệng tôi ấp a ấp úng. Mấy lần định nói lại thôi. Mẹ tôi thấy thế càng sợ. Cuối cùng, tôi lấy hết can đảm quyết định kể lại câu chuyện của tôi cho mẹ. “Chính xe máy của con đã đâm vào bác Quang đấy!”. “Cái gì?”. Mẹ tôi bật đứng dậy tròn xoe mắt nhìn tôi. Tôi khẳng định lại lời tôi vừa nói và kể toàn bộ sự việc cho mẹ nghe.
***
Hôm đó, tôi và thằng Huy (bạn tôi) từ trường về, do phởn chí sắp được về nhà cộng với lúc nhập nhoạng tối, nó đã phóng xe máy khá nhanh. Ngồi sau xe, tôi ôm chặt lấy nó. Vừa đi hai thằng vừa nói chuyện huyên thuyên chẳng để ý gì nữa cả. Mãi đến khi đánh “rầm” một cái thì hai thằng đã nằm sõng soài ra giữa đường. Chiếc xe vẫn nổ máy. Bánh của nó quay tít. Lát sau, hai thằng mới lóp ngóp ngồi dậy. Sờ khắp người không bận gì. Phía ven đường một ông già đang nằm kêu. Tôi lại gần và nhìn rõ gương mặt đang nhăn nhó của ông. Định bế ông dậy thì thằng Huy đã nhảy lên xe quát: “Tùng! Nhanh lên!”. Nó nổ máy và ngồi chờ tôi trên xe. Phía cuối đường thấp thoáng mấy người đang chạy tới. Tôi phân vân thì thằng Huy lại giục. Tôi đành quay ngoắt lại chạy theo nó bỏ mặc ông già đang nhăn nhó.
Phía sau, tiếng mọi người hô hoán đuổi bắt càng làm cho thằng Huy nhấn tay ga phi nhanh hơn. Chúng tôi về nhà Huy an toàn, không ai hay biết gì. Sớm sau về nhà với mẹ, tôi vô can. Cho nên lúc tối, khi bác Quang quay mặt lại nhìn tôi, tôi nhận ra bác ngay. Nỗi dày vò ân hận của tôi được dịp trỗi dậy. Mấy lần mở miệng để xin lỗi bác khi mẹ tôi ra nói chuyện với bác gái mà tôi không nói được. Tôi ân hận quá chừng.
Nghe tôi kể xong chuyện, mẹ tôi im lặng khá lâu. Tôi sợ sệt hỏi mẹ: “Bây giờ con phải làm gì hở mẹ? Bác ấy có tha thứ cho con không?”. Mẹ tôi thở dài: “Con biết nhận lỗi như thế là tốt. Giá con nói với mẹ chuyện này ngay từ hôm về thì có phải hay hơn không. Mẹ sẽ bắt hai đứa chúng mày quay trở lại nơi đó tìm gặp bác ấy mà xin lỗi, bồi thường và chăm sóc bác ấy thì đâu nên chuyện. Thôi, sự việc như thế này thì tốt nhất sớm mai hai mẹ con và cả thằng Huy nữa sẽ lên xin bác ấy. Nhất định bác ấy sẽ tha cho. Mẹ tin chắc là như vậy. Cả mẹ và con sẽ chăm sóc bác ấy cho đến khi khỏi hẳn. Đừng nói chuyện bồi thường nữa mà bác ấy giận. Bác Quang không như người ta đâu”.
Tôi đã cảm thấy hơi nhẹ nhõm phần nào. Tuy nhiên, sự ân hận và ăn năn của tôi thì vẫn không dứt. Giá hôm đó, hai đứa tôi dũng cảm quay lại thì… Mẹ tôi tiếp tục tỉ tê: “Bỏ người trong cơn hoạn nạn là tội lỗi. Đằng này hoạn nạn lại do mình gây ra mà bỏ đi lại càng tội lỗi hơn. Hơn nữa, người bị nạn là ân nhân của mình thì con thấy thế nào? Cho dù là con vô tình không biết đi? Các con thiếu sự dũng cảm và lòng nhân ái của sự làm người. Con phải nhớ lấy bài học này, nghe chưa? Thôi, bây giờ đi làm bài đi, mai mẹ con mình lên với bác ấy cho sớm”.
Tôi vẫn bần thần day dứt. Mẹ phải an ủi, động viên mãi tôi mới nguôi ngoai. Thà thú tội với bác ấy muộn còn hơn không. Trong đầu tôi văng vẳng lời dạy làm người của mẹ.
Ý kiến bạn đọc (0)