Những vấn đề cần quan tâm khi bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn
Gánh cả hai vai
Tháng 5/2022, đồng chí Hoàng Văn Vụ (SN 1975) được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Đồng Tân, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) nhiệm kỳ 2022-2025. Là người có kinh nghiệm nhiều năm làm trưởng thôn (giai đoạn 2005-2009) và từng là Bí thư Chi bộ thôn, ngay sau khi đảm nhiệm cùng lúc hai chức danh, đồng chí cùng cấp ủy thực hiện nghị quyết của Chi bộ.
![]() |
Đồng chí Hoàng Văn Vụ gặp gỡ, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân. |
Đồng chí cho biết: “Việc gánh cả hai vai khá vất vả và mất nhiều thời gian nhưng bù lại công việc thuận lợi hơn. Không có khâu trung gian nên các nhiệm vụ cấp ủy bàn bạc, thảo luận sát với thực tiễn và được triển khai kịp thời, đồng bộ ngay sau khi thống nhất”.
Nhờ điểm thuận lợi này mà mới đây, thôn Đồng Tân đã cụ thể hóa nghị quyết của Chi bộ, vận động nhân dân hiến gần 100 m2 đất, đóng góp đối ứng khoảng 100 triệu đồng để sắp tới sẽ cứng hóa, mở rộng nốt hơn 100 m đường trong dự án xây dựng tuyến đường trục thôn dài 500 m, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Được biết, đồng chí Vụ là một trong hàng trăm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong Đảng bộ tỉnh hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ - trưởng thôn được đảng bộ các huyện, TP tích cực thực hiện tại những nơi có đủ điều kiện. Qua đánh giá thực tiễn, mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực.
Trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên, thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ở những nơi nhất thể hóa, các nội dung chi bộ đưa ra bàn bạc đều rất cụ thể, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo được quán triệt, triển khai thống nhất.
Khi một đồng chí đồng thời giữ hai chức danh, việc triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ của cấp ủy cấp trên sẽ thuận lợi và kịp thời hơn nhờ giảm khâu trung gian”. Hiệu quả đó được kiểm chứng rất rõ qua thực tiễn tại thôn Xuân Thượng, xã Xuân Phú (Yên Dũng).
Sau khi Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (năm 2020), với trách nhiệm là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, đồng chí Khổng Minh Đức vừa cùng với tập thể Chi bộ bàn bạc, ra nghị quyết lãnh đạo, vừa trực tiếp cùng Ban quản lý thôn phổ biến, triển khai tới người dân.
Sự kịp thời, đồng bộ đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, huy động sức dân tham gia xây dựng các công trình công cộng. Điểm nhấn là nhà văn hóa, khuôn viên được cải tạo, nâng cấp trị giá hơn 1 tỷ đồng; đổ bê tông hơn 100 m đường làng, ngõ xóm, qua đó hoàn thành mục tiêu cứng hóa 100% tuyến đường nội thôn. Kết quả ở Xuân Thượng góp phần giúp Xuân Phú đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Những khó khăn
Khẳng định được tính hiệu quả nhưng hiện nay, việc nhân rộng mô hình nhất thể hóa vẫn là bài toán khó với nhiều địa phương. Tháng 5/2020, khi tổng kết Nghị quyết số 74-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 -2020, số lượng bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn trong tỉnh là 228 đồng chí.
Tuy nhiên, sau khi cơ bản hoàn thành đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và bầu cử trưởng thôn nhiệm kỳ 2022-2025, toàn Đảng bộ tỉnh có 210 đồng chí đồng thời giữ hai chức danh kể trên, giảm 18 đồng chí so với nhiệm kỳ trước. Địa phương có nhiều là Lạng Giang (45 đồng chí), Lục Nam (31 đồng chí) và Lục Ngạn (31 đồng chí).
Nguyên nhân chính là không phải nơi nào cũng có thể lựa chọn được nhân sự đảm nhiệm tốt cả hai chức danh trên. Vì để đồng thời gánh cả hai nhiệm vụ, nhân tố được lựa chọn phải vừa đạt tín nhiệm cao trong Đảng, vừa có năng lực, uy tín với cộng đồng dân cư. Ở cơ sở, người hội tụ đủ hai yếu tố này về cơ bản là cán bộ hưu trí, có tuổi, ít người trong số đó đủ sức khỏe, sự năng động.
Với những nhân sự trẻ, không có mấy người dám đứng ra nhận trọng trách, bởi họ vẫn đang trong độ tuổi làm kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc họp hành cũng khá nhiều, chi phối phần lớn thời gian, lại chịu không ít áp lực (nhất là ở những địa bàn có dự án đầu tư xây dựng cần giải phóng mặt bằng) nên nếu như cùng lúc đảm nhiệm hai chức danh thì đồng nghĩa với việc họ không còn nhiều thời gian cho gia đình, làm kinh tế.
Đồng chí Lê Văn Hiệu (SN 1979), Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Thắng Cương, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) chia sẻ: “Được Đảng cử, dân tin, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc vừa là trụ cột kinh tế gia đình, vừa tham gia hai vai khiến bản thân rất khó sắp xếp, bố trí thời gian”.
Nguyên nhân khó nhân rộng mô hình còn liên quan đến chế độ chính sách. Hiện nay, phụ cấp theo Nghị quyết của HĐND tỉnh cho chức danh bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn với thôn loại 1 là 1,0 hệ số lương cơ sở; thôn loại 2 và 3 là 0,9. Bí thư chi bộ, trưởng thôn là những người hoạt động không chuyên trách, làm việc bán thời gian.
Tuy nhiên, khi thực hiện nhất thể hóa thì “việc của hai người dồn vào một”, thời gian sẽ chủ yếu dành cho công việc. Mức phụ cấp như trên khó bảo đảm cuộc sống.
Qua trò chuyện, rất nhiều bí thư chi bộ - trưởng thôn, nhất là những người còn trẻ, đang ở độ tuổi lao động bày tỏ sự băn khoăn, họ kiến nghị các cấp xem xét, điều chỉnh chế độ, chính sách mang tính đặc thù để nâng mức phụ cấp tương xứng với công sức, góp phần giúp cán bộ yên tâm cống hiến cho hoạt động chung của chi bộ, cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hanh chia sẻ thêm: Để bảo đảm chất lượng mô hình, thời gian tới, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn sẽ tiếp tục được thực hiện với những địa bàn có đủ điều kiện và nơi có khó khăn về nhân sự trưởng thôn là đảng viên. Thông qua đó góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)